Thứ Ba, 17 tháng 3, 2015


Những hương vị khó cưỡng của ẩm thực Quảng Nam

Dù có thể xuất hiện trong các hàng quán ở các thành phố lớn, nhưng những món ăn xứ Quảng sẽ thực sự đúng và đủ vị khi được chế biến trên chính xứ sở của mình.

Mì Quảng

Nhắc đến ẩm thực Quảng Nam, không ai không biết tới mì Quảng. Đây là món ăn dân dã, vô cùng quen thuộc của người dân đất Quảng. Dù có thể nấu chưa thật ngon nhưng hiếm người Quảng Nam nào lại chưa từng tự tay nấu mì Quảng một lần. Thành phần của tô mì Quảng gồm mì (làm từ bột gạo tráng cắt thành sợi dày), các loại nhân thịt (thịt gà, bò...), lạc rang, bánh tráng, các loại rau sống đa dạng, hành, ớt và chút nước lèo chan xâm xấp.

Khi ăn mì Quảng, người ta thường bẻ nhỏ bánh tráng cho vào tô, thêm nhiều rau sống, chút mắm ớt, chanh trộn đều rồi thưởng thức. Vị thơm bùi của gạo quyện cùng vị ngọt đậm của nước lèo, thanh mát của rau sống, chua của chanh và cay của ớt sẽ mang lại cho bạn một trải nghiệm không thể quên.

Bánh xèo

Bánh xèo cũng là món ăn truyền thống của người dân xứ Quảng. Chiếc bánh thơm phức mùi bột gạo cuốn với rau sống rồi ăn kèm với nước chấm tuy đơn giản nhưng lại gây "nghiện" cho biết bao người. Bánh xèo Quảng Nam không giòn như bánh xèo Sài Gòn mà có độ mềm nhất định. Nhân bánh cũng có phần đơn giản hơn với thịt ba chỉ và tôm đất, hoặc chỉ cần tôm đất cũng đủ làm nên chiếc bánh ngon.

Bánh xèo đất Quảng thường chỉ được cắt đôi, thậm chí nếu nhỏ còn để nguyên. Chiếc bánh thơm, mềm, nóng hổi được cuốn cùng nhiều loại rau sống nhưng không thể thiếu được lá cải xanh. Vị nhận đắng của cải vừa chống ngấy, vừa đưa đẩy khiến bánh ngon hơn. Khi ăn người ta lấy một miếng bánh cuốn cùng rau sống và bánh tráng rồi chấm với nước chấm pha từ nước mắm cá cơm, gừng và đậu phộng xay nhuyễn. Sự đơn giản này sẽ mang đến cho bạn một bữa ăn tuy dân dã mà vô cùng khó quên.

 

 

Ram

Nguyên liệu cơ bản và cách chế biến của món này cũng khá tương đồng với nem của miền Bắc hoặc chả giò của miền Nam. Các nguyên liệu làm ram thường là một ít miến trộn với thịt và nấm mèo, nhưng tuỳ từng địa phương sẽ thêm hoặc bớt nguyên liệu của nhân ram. Từng chiếc ram cuốn dài tầm một ngón tay với lớp vỏ thơm, giòn sẽ được chiên bằng dậu đậu phộng (dầu phụng) thơm phức. Món này thường được dọn với nước mắm chua ngọt cay kèm nhiều rau sống. Tại Đà Nẵng, món này không thể thiếu cải xanh. Lá cải to và đồ chua làm giảm vị ngấy từ dầu của ram. Cuốn ram thơm phức, nước mắm cay sè, bảo đảm khiến bạn ngây ngất.

Bánh tổ

Loại bánh này là đặc sản, có truyền thống lâu đời trong mỗi dịp tết của người dân xứ Quảng. Nhiều địa phương ở Quảng Nam đều làm bánh này. Nguyên liệu gồm có nếp và đường. Nếp phải chọn loại nếp thật tốt, phơi thật khô rồi đem xay thành bột. Bột nếp và đường đem “sên” cho thật kỹ, lọc bỏ hết tạp chất rồi thêm vào chút nước gừng tươi để làm tăng hương vị. Sau đó cho bột vào chiếc khuôn đan bằng nan tre trông như rọ có đường kính chừng 10 – 15 cm, bên trong có lót sẵn lớp lá chuối khô. Bánh được gói lại và dùng tăm tre ghim kín các mép lá. Mỗi bánh cân nặng chừng 500 gam.

Bánh tổ đem hấp chín, vớt ra để nguội rồi cất vào nơi thoáng mát. Tùy theo bột và đường sên mà bánh có nhiều màu khác nhau, từ màu trắng đục cho đến màu ngà hay nâu nhạt và giá cả có chênh lệch ít nhiều. Khi ăn, có người thích cứ lấy cái bánh tổ xắt ra từng miếng và ăn ngay. Có người lại thích nướng trên bếp than hồng cho mềm đi rồi mới ăn. Nhưng cách nhiều người thích nhất là xắt miếng và chiên với dầu phụng (dầu đậu phộng)

Gà đèo Le

Đây là một trong những đặc sản nức tiếng của tỉnh Quảng Nam. Muốn ăn gà đèo Le đúng chuẩn, chắc chắn bạn phải đến đèo Le (gần suối Nước Mát - huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) để thưởng thức, bởi như người bản địa nói, gà đèo Le ngon và có tiếng như vậy là do được chế biến cùng mạch nước ngọt mát của suối Nước Mát (một địa danh du lịch nổi tiếng của Quế Sơn).

 Gà đèo Le là giống gà tre, nuôi thả bộ tự nhiên hoàn toàn, mỗi con chỉ nặng khoảng 0,6 - 0,8 kg. Các món ăn từ gà khá đa dạng như nướng, hấp hành và rô ti... nhưng phổ biến nhất vẫn là luộc bởi món này nấu nhanh và đơn giản. Nhưng dù gọi món nào, gà ở đây cũng được phục vụ dưới dạng nguyên con với tạo hình cánh tiên rất hút mắt. Gà đeo Le được luộc cùng hành tím đập dập, khi đưa ra cho khách không thể thiếu rau răm, chút lá chanh xắt nhỏ cùng... kéo và bao tay nilon để khách tự cắt gà. Tuy không phục vụ đến tận... răng nhưng việc tự mình cắt hoặc xé gà thành miếng, trộn cùng rau răm rồi chấm muối tiêu và thưởng thức chắc chắn sẽ khiến món gà trở nên ngon hơn.

Bê thui cầu Mống

Cầu Mống - một địa danh thuộc xã Điện Phương (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), nổi tiếng khắp nơi nhờ món... bê thui trứ danh. Thành phần quan trọng quyết định độ ngon của món bê thui Cầu Mống là nước chấm và rau sống. Nước chấm phải được pha từ loại mắm cái thượng hạng làm từ cá cơm, cá nục đánh bắt ven biển miền Trung. Mắm cái sau khi gạn ép xác, lọc lấy nước mới cho thêm tỏi ớt, gừng xay, mè rang, chanh… vào cho vừa miệng.

Rau sống phải đủ loại của vùng quê bên sông nước, cuốn với bánh tráng mỏng chấm mắm cá cơm mới là đúng điệu. Để thêm phần đa dạng thực khách có thể gọi thịt bắp, thịt ba chỉ, thịt mông, da... tuỳ thích. Cầm một miếng bánh tráng lề mỏng, gói ít rau sống, nhón thêm lát chuối chát, đu đủ, bỏ một miếng bê thui, sau đó bẻ một ít bánh tráng nướng... cuộn tất cả lại, chấm vào chén mắm cá, vị ngon lan tỏa từ đầu lưỡi xuống đến cuống cổ, ngon không tưởng nổi.


Tìm kiếm theo thuật ngữ: Ẩm thực Quảng Nam.

Nét Đẹp Trong Thơ Ca Dân Gian Ninh Hò


          Nét Đẹp Trong Thơ Ca Dân Gian Ninh Hò

Ai đã từng nói "Ninh Hòa là đất Thơ". Nơi có ba dòng sông hội tụ thành ngả ba sông Dinh êm đềm, xinh đẹp. Mãi đến giờ dòng sông Thơ ấy đang chảy không ngừng

Ngược dòng thời gian tìm về kho tàng văn hóa địa phương, tôi bùi ngùi xúc động. Quê tôi may mắn thừa hưởng nét đặc thù văn hóa riêng trong cộng đồng làng, xã lúc bấy giờ. Trong dịp lễ hội cúng Đình làng văn hóa Xuân Hòa (lễ cúng Thu 2005) nghe các cụ cao niên kể lại rằng Tình Yêu bắt nguồn trong lao động, từ đó cuộc sống lứa đôi hình thành theo qui luật sinh tồn để tiến lên bắt nhịp theo dòng thời gian.

Chuyện tình yêu trai - gái không bao giờ cũ. Chàng trai, cô gái tỏ tình trong đêm trăng thanh gió mát, trong lao động sản xuất, trong hội hè cũng mang đậm hệ tuần hoàn thời tiết nơi quê nhà để nói lên tình yêu:

Tháng Giêng động dài

Tháng Hai động tố

Tháng Ba rầm rộ

Tháng Bốn nam non

Em còn trực tiết lòng son

Phụ mẫu nhà chưa định chồng con thế nào.

Chàng trai thật thà nhưng lòng còn phân vân. Ngày hôm sau đến gặp em gái nàng thố lộ:

Nhà em bốn chị lòng trinh

Có chồng hai chị, tỏ tình anh hay

Nhà em trước giếng - sau ao

Xung quanh trồng cảnh, bốn phía rào trồng chanh

Cảnh phụ miền lập được kiểng xanh

Xuân Hòa (*) là xã trúng danh là nàng.

Gá tiếng kêu - Thuộc nữ tài cao

Vườn hoa trái ngọt chưa ai rào bớ anh.

(*)Làng Xuân Hòa, xã Ninh Phụng, huyện Ninh Hòa hiện nay

 …2

Chàng trai khấp khởi mừng khôn xiết. Người mà anh yêu chưa có chồng nên anh ao ước ngày tháng:

Cho mau tới Tết

Cho hết năm nay

Trà Ô Long bốn gói

Đường cát rằng năm cân

Bỏ vô cái quả Canh - Tân (*)

Cậy ông Mai đến nói - phụ mẩu phân lẻ nào.

Thường khi cộng đồng làng xã hình thành, đời sống văn hóa bấy giờ muốn cưới xin cũng theo trình tự qui luật làng. Khi đi hỏi vợ phải xem ngày lành, tháng tốt, năm hạp, tuổi tác dựng vợ, gả chồng. Hai chữ Canh - Tân ở đây là nói đến năm. Ví dụ năm Canh Dần, Tân Mẹo trong mười hai con Giáp v.v…

 

Hể nói đến tình yêu thời nào cũng có trúc trắc. Lúc đẹp, lúc không như ý. Chàng trai về nhà thưa cha, mẹ cậy mai mối nhưng lòng phấp phồng sợ cha, mẹ nàng sắp đặt tình duyên khác đi cho nên chàng trai than thở:

Rung rinh nước chảy qua đèo

Ngựa chạy dưới biển - chiếc thuyền chèo trên non

Trai lòng trinh - gái lòng son

Trách bà phụ mẩu sinh con hai dòng

Cây lê, cây lựu, cây tòng

Ba cây đứng đó ròng ròng chơi hoa

Dời chân xuống chốn giang ca

Trăng dời, nguyệt lặn cách xa vườn đào.

Thương cho nàng khi chàng trách oan. Chuyện vợ chồng xưa nay làm sao con dám mặc áo qua khỏi đầu cha mẹ. Nàng sợ chàng thay trắng đổi đen nên:

Ngó lên thấy đám mây xanh

Ngó xuống dưới biển chiếc thuyền mành đung đưa

Em gặp anh bong bóng đang trưa

Rưng rưng nước mắt tay đưa miếng trầu

Ôm lê,ôm lựu mà sầu

Vun cây tưới nước duyên đầu về ai?!


Tìm kiếm theo thuật ngữ: nét đẹp trong thơ ca việt nam

Toán tử: and.

 

Chăm lo cho đối tượng chính sách người có công.


Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, huyện Phú Bình luôn chú trọng đến công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng. Qua đó, góp phần động viên, tạo điều kiện cho các thương, bệnh binh, gia đình chính sách trên địa bàn từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên phát triển kinh tế.

Theo số liệu thống kê của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), toàn huyện hiện có hơn 3.400 đối tượng chính sách. Trong đó, 19 người là cán bộ tiền khởi nghĩa, 24 Mẹ Việt Nam anh hùng (22 mẹ đã từ trần, 2 mẹ còn sống), 1.136 nạn nhân nhiễm chất độc hóa học, 1.444 liệt sĩ, 800 thương, bệnh binh…

Những năm qua, Đảng uỷ, chính quyền và nhân dân trong huyện luôn xác định công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho các gia đình chính sách và những người có công với cách mạng là nhiệm vụ trọng tâm. Nhờ vậy, nhiều hoạt động thiết thực như: thăm hỏi, động viên, hỗ trợ vốn vay phát triển kinh tế, hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho các gia đình chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã nhận được sự ủng hộ của nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện. Trong 5 năm qua (2007-2011), từ nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của huyện, cùng sự tham gia đóng góp của các tầng lớp nhân dân, huyện đã hỗ trợ kinh phí xây mới và tu sửa được 81 căn nhà cho đối tượng chính sách với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng.

Năm 2012, huyện có kế hoạch hỗ trợ xây dựng 6 căn nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách đang khó khăn về nhà ở. Đến nay, đã hỗ trợ xây dựng được căn 3 căn với số tiền trên 60 triệu đồng. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp chăm lo cho các gia đình chính sách, huyện đã cơ bản giải quyết được tình trạng khó khăn về nhà ở cho các gia đình chính sách, từ đó cuộc sống của nhiều gia đình cũng được cải thiện và nâng lên rõ rệt. Phần lớn đối tượng chính sách trên địa bàn huyện đều có cuộc sống ổn định. Trong đó trên 30% gia đình khá giả, nhiều hộ gia đình có thu nhập từ 100-200 triệu đồng/năm như hộ cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Hùng (xã Thượng Đình), Hoàng Văn Quý (xã Dương Thành), Nguyễn Thanh Bình (xã Bàn Đạt), Dương Văn Đông (xã Nhã Lộng)…

Hơn 3.400 đối tượng chính trên địa bàn huyện hiện được hưởng trợ cấp hàng tháng với tổng số tiền trợ cấp mỗi năm khoảng trên 44 tỷ đồng. Hầu hết các đối tượng chính sách đều được miễn, giảm các khoản đóng góp như: xây dựng cơ sở hạ tầng, được ưu tiên chăm sóc sức khoẻ; ưu đãi về vốn vay phát triển kinh tế... Nhằm thực hiện tốt phong trào đền ơn đáp nghĩa, Phú Bình luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, tích cực tham gia đóng góp, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các thương, bệnh binh, gia đình chính sách. Năm 2011, huyện đã huy động được 75 triệu đồng vào Quỹ Đền ơn đáp nghĩa. Năm 2012, huyện có kế hoạch huy động khoảng 120 triệu đồng. Nguồn quỹ này được dùng để hỗ trợ, thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách nhân dịp lễ, Tết, cũng như khi ốm đau, hoạn nạn. Bên cạnh đó, các địa phương còn huy động nhân dân, các đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Thanh niên… đóng góp ngày công giúp đỡ các gia đình chính sách làm nhà ở, dọn dẹp vệ sinh, gặt, cấy khi ngày mùa đến...

Xúc động trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, bà Trần Thị Chất, vợ liệt sĩ Nguyễn Hải Đường, xóm Na Bì, xã Tân Thành tâm sự: “Hằng năm, chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể đều quan tâm đến gia đình tôi, nhất là trong các dịp lễ, Tết. Tôi rất vui và luôn căn dặn con cháu phải tiếp tục phát huy truyền thống gia đình cách mạng, chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; tập trung phát triển kinh tế gia đình…”

Song song với việc chăm lo đời sống vật chất, huyện còn đặc biệt quan tâm đến đời sống tinh thần cho đối tượng chính sách. Năm 2011, trong dịp tết Nguyên Đán và ngày 27-7, huyện đã tổ chức các đoàn đến thăm hỏi, động viên và tặng 6.264 suất quà trị giá 1,3 tỷ đồng cho các gia đình chính sách và người có công với cách mạng. Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ, huyện sẽ long trọng tổ chức lễ gặp mặt, thăm hỏi và tặng quà các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện với kinh phí dự kiến khoảng 1,3 tỷ đồng. Lãnh đạo Huyện uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ và các đoàn thể sẽ chia thành nhiều đoàn tới thăm hỏi, tặng quà một số gia đình chính sách tiêu biểu tại các xã, thị trấn. Cùng với đó, các hoạt động tri ân những anh hùng liệt sĩ sẽ được tổ chức trang trọng như: Lễ dâng hương tưởng niệm, Lễ thắp nến tri ân tại “Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ” huyện và tại nghĩa trang của các xã, thị trấn.

Nhằm khơi dậy truyền thống tốt đẹp trong nhân dân, công tác xây mới, tu bổ, sửa chữa nghĩa trang liệt sĩ cũng được huyện đặc biệt chú trọng. Ngoài "Đền tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ" được xây dựng vào năm 2007 với tổng kinh phí gần 4 tỷ đồng, 21/21 xã, thị trấn trên đại bàn huyện cũng đã có nghĩa trang liệt sĩ. Năm 2012, từ nguồn ngân sách Trung ương cấp, kết hợp với nguồn ngân sách địa phương và nhân dân đóng góp, Phòng LĐ-TB&XH đã hướng dẫn, chỉ đạo các xã, thị trấn tiến hành tu sửa, nâng cấp và xây dựng các nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sĩ với tổng kinh phí trên 7,8 tỷ đồng. Trong đó, riêng xã Đào Xá được đầu tư hơn 3 tỷ đồng để xây mới nghĩa trang. Các xã còn lại như: Nhã Lộng, Úc Kỳ, Tân Khánh, Tân Thành… đều được bố trí nguồn vốn từ 200-600 triệu đồng để tu bổ, sửa chữa và nâng cấp nghĩa trang đẹp đẽ, khang trang hơn.

Ông Trần Đức Minh, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện cho biết: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung giải quyết nhu cầu về nhà ở và hỗ trợ đời sống cho các gia đình chính sách. Cùng với các chương trình quốc gia, chúng tôi sẽ phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức vận động các tổ chức, cá nhân tài trợ kinh phí để huyện có điều kiện chăm lo tốt hơn cho các đối tượng chính sách…”

Quan tâm chăm lo đời sống cho các đối tượng chính sách là thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc và là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Chính vì thế, thời gian tới, bên cạnh sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể, công tác đền ơn đáp nghĩa của huyện Phú Bình nói riêng và của các địa phương khác nói chung rất cần sự sẻ chia và đóng góp nhiều hơn nữa của các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm để các địa phương có điều kiện chăm lo tốt hơn cho những người đã một thời cống hiến và hi sinh vì hòa bình và độc lập hôm nay.


Tìm kiếm theo thuật ngữ: Chăm lo cho đối tượng chính sách người có công.

Toán tử: and.


Tìm kiếm theo thuật ngữ: Dân số Việt Nam.
Toán tử: and.
Mức sinh của Việt Nam biến động khó lường
Dù tốc độ gia tăng dân số của nước ta đã được kiểm soát nhưng Liên Hợp Quốc dự báo mức sinh này biến động khó lường. Nếu để tăng trở lại, đến năm 2050 mật độ dân số có thể lên đến 400 người trên một km2.
'Người Việt Nam cần sinh con gái nhiều hơn'  /  Mất cân bằng giới tiếp tục tăng mạnh
Tổng tỷ suất sinh của Việt Nam hiện đứng thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á, liên tục duy trì được mức sinh thay thế (2,1 con trên một phụ nữ) trong nhiều năm. Tuy nhiên, trong khi nhiều địa phương tại miền núi phía Bắc, Trung, Tây Nguyên vẫn còn hiện tượng sinh 3, thậm chí là sinh 6-7 con; thì vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long lại có mức sinh rất thấp 1,5-1,6 con.

Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, dù tốc độ gia tăng dân số đã được kiểm soát nhưng Liên Hợp Quốc dự báo mức sinh biến động khó lường. Có 3 kịch bản được đưa ra với quy mô dân số của nước ta trong thời gian tới.

Một là, nếu để tăng trở lại, tổng tỷ suất sinh có thể lên tới 2,3-2,5 con trên một phụ nữ thì đến năm 2050, quy mô dân số nước ta sẽ đạt cực đại ở mức quá cao 130-140 triệu, mật độ dân số cao khoảng 400 người trên một km2. Điều này sẽ gây áp lực đối với các lĩnh vực y tế, giáo dục, lao động, việc làm...
Hai là, nếu để mức sinh tụt xuống quá thấp, tổng tỷ suất sinh chỉ khoảng 1,35 con trên một phụ nữ thì đến năm 2050 quy mô dân số nước ta sẽ đạt cực đại 95-100 triệu người. Điều này sẽ dẫn đến dân số suy giảm, thiếu nguồn lao động, già hóa dân số diễn ra nhanh gây bất lợi cho sự phát triển kinh tế.

Trong tình huống cuối, nếu duy trì mức sinh thấp hợp lý, với tổng tỷ suất sinh khoảng 1,9-2 con trên một phụ nữ thì đến năm 2050 quy mô dân số sẽ ổn định ở mức 115-120 triệu người. Điều này sẽ phát huy lợi thế của dân số đó là quy mô dân số ổn định ở mức thấp hơn, cơ cấu tuổi của dân số sẽ cân bằng hơn, giảm dần sự chênh lệch bất lợi về mức sinh giữa các tỉnh.

Duy trì mức sinh hợp lý cũng là một trong 5 lĩnh vực cần ưu tiên trong Chiến lược Dân số - Sức khỏe Sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020 được Thủ tướng phê duyệt. Theo tổng tỷ suất sinh vào năm 2015 là 1,9 con và 1,8 con vào năm 2020; chủ đề của tháng hành động quốc gia về năm nay (tháng 12) là Duy trì mức sinh thấp hợp lý vì sự phát triển bền vững của đất nước.

“Nếu muốn duy trì kết quả đã được trong nhiều thập kỷ qua, chúng ta không thể buông lỏng công tác dân số. Tất cả mọi người đều phải vào cuộc. Đây không phải là kỹ thuật cao siêu, công nghệ cực cao để làm công tác dân số mà là vấn đề tư tưởng cực kỳ quan trong”, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết tại lễ phát động tháng hành động quốc gia về dân số và Ngày dân số Việt Nam mới đây.

Trong giai đoạn hiện nay, thông điệp về dân số không còn là “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh một hoặc 2 con” mà chuyển thành “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh 2 con”.

Bên cạnh đó, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng gia tăng, năm sau cao hơn năm trước; hiện ở mức 113,8 bé trai trên 100 bé gái. Theo ông Nguyễn Văn Tân, Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, nếu không thực sự có đột biến trong các giải pháp thực hiện thì Việt Nam khó đạt mục tiêu duy trì tỷ số giới tính khi sinh vào năm 2020 ở mức 115 trẻ trai trên 100 trẻ gái.


Để giải quyết thực trạng này, hiện ngành dân số tập trung tăng cường truyền thông giáo dục, vận động để người dân thay đổi nhận thức, chuyển đổi hành vi về lựa chọn giới tính khi sinh. Đồng thời có các chính sách ưu tiên nữ giới, những gia đình sinh con một bề là con gái; tăng cường thực thi pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính khi sinh.
Tìm kiếm theo thuật ngữ: Mì quảng Quảng Nam.
Toán tử: and.
Mì Quảng là một món ăn đặc trưng của Quảng Nam, Việt Nam, cùng với món cao lầu.
Ngày nay khi nói đến mì Quảng không nhất thiết là nói đến món ăn đặc sản của Quảng Nam - Đà Nẵng mà là nói đến một món ăn đặc trưng của người miền Trung nói chung. Mì Quảng thường được làm từ sợi mì bằng bột gạo xay mịn và tráng thành từng lớp bánh mỏng, sau đó thái theo chiều ngang để có những sợi mì mỏng khoảng 2mm. Sợi mì làm bằng bột mỳ được trộn thêm một số phụ gia cho đạt độ giòn, dai. Dưới lớp mì là các loại rau sống, trên mì là thịt heo nạc, tôm, thịt gà cùng với nước dùng được hầm từ xương heo. Người ta còn bỏ thêm đậu phụng rang khô và giã dập, hành lá thái nhỏ, rau thơm, ớt đỏ... Thông thường nước dùng rất ít.
Tìm kiếm theo thuật ngữ: Nghệ thuật sân khấu.
Toán tử: and.
Đặc Điểm Của Sân Khấu Cải Lương

Năm 1920 đoàn hát mang tên Tân Thinh ra mắt khán giả, Tân Thinh không dùng tên gánh mà dùng tên đoàn hát và ghi rõ đoàn hát cải lương, dưới bảng hiệu có treo đôi liễn như sau:
Cải cách hát ca theo tiến bộ
Lương truyền tuồng tích sánh văn minh.

Ðôi liễn ấy đã nêu lên những đặc điểm cơ bản của sân khấu cải lương. Như trên đã nói, cải lương vốn là một động từ mang nghĩa thông thường trở thành một danh từ riêng. Cải lương có nghĩa là thay đổi tốt hơn khi so sánh với hát bội. Sân khấu cải lương là một loại hình sân khấu khác hẳn với hát bội cả về nội dung vở soạn lẫn nghệ thuật trình diễn.
1. Bố cục
Các soạn giả đầu tiên của sân khấu cải lương vốn là soạn giả của sân khấu hát bội. Nhưng các soạn giả của thuộc lớp kế tục thì nghiêng hẳn về cách bố cục theo kịch nói: vở kịch được phân thành hồi, màn, lớp, có mở màn, hạ màn, theo sự tiến triển của hành động kịch. Vai trò của soạn giả, đạo diễn không lộ liễu trước khán giả mà ẩn sau lưng nhân vật.
Ban đầu, các vở viết về các tích xưa (mà người ta quen gọi là tuồng Tàu) có khi còn giữ ít nhiều kiểu bố cục phảng phất hát bội, nhưng các vở về đề tài xã hội mới (gọi là tuồng xã hội) thì hoàn toàn theo bố cục của kịch nói. Càng về sau thì bố cục của các vở cải lương (kể cả các vở về đề tài xưa cũng theo kiểu bố cục của kịch nói).
Đề tài và cốt truyện
Các vở cải lương ngay từ đầu đều khai thác các truyện Nôm như Kim Vân Kiều, Lục Vân Tiên hoặc các câu truyện trong khung cảnh xã hội Việt Nam.
Sau đó chiều theo thị hiếu của khán giả sân khấu cải lương cũng có một số vở soạn theo các truyện, tích của Trung Hoa đã được đưa lên sân khấu hát Bội và được khán giả rất ưa thích.
Sau này nhiều soạn giả, kể cả soạn giả xuất thân từ tân học cũng soạn vở dựa theo truyện xưa của Trung Quốc hoặc dựng lên những cốt truyện với nhân vật, địa danh có vẻ của Trung Quốc nhưng những cảnh ngộ, tình tiết thì của xã hội Việt Nam
2. Ca nhạc
Các loại hình sân khấu như hát bội, chèo, cải lương được gọi là ca kịch vì ở đây ca kịch giữ vai trò chủ yếu. Là ca kịch chứ không phải là nhạc kịch vì soạn giả không sáng tác nhạc mà chỉ soạn lời ca theo các bản nhạc cho phù hợp với các tình huống sắc thái tình cảm.
Như vậy, nói chung về ca nhạc, sân khấu cải lương sử dụng cái vốn dân ca nhạc cổ rất phong phú của Lục Tỉnh. Trên bước đường phát triển nó được bổ sung thêm một số bài bản mới (như Dạ cổ hoài lang sau này mang tên Vọng cổ là một dân ca nổi tiếng của sân khấu cải lương). Nó cũng gồm một số điệu ca vốn là nhạc Trung Hoa nhưng đã được phổ biến từ lâu trong dân chúng Lục Tỉnh, đã Việt Nam hóa.
3-Diễn xuất
Diễn viên cải lương diễn xuất một cách tự nhiên, nhất là khi diễn về đề tài xã hội thì diễn viên diễn xuất như kịch nói. Khác với kịch nói ở chỗ đáng lẽ nói, diễn viên ca, cho nên cử chỉ điệu bộ cũng uyển chuyển, mềm mại theo lời ca. Dù không giống như cử chỉ điệu bộ của diễn viên kịch nói, mà vẫn gần với hiện thực chứ không cường điệu như hát bội.
Cải lương cũng có múa và diễn võ nhưng nhìn chung là những động tác trong sinh hoạt để hài hoà với lời ca chứ không phải là hình thức bắt buộc.
4-Y phục
Trong các vở về đề tài xã hội diễn viên ăn mặc như nhân vật ngoài đời. Trong các vở diễn về đề tài lịch sử dân tộc, về các truyện cũ của Trung Hoa, phóng tác từ những câu chuyện, hay các vở kịch từ nước ngoài thì y phục của diễn viên cũng được chọn lựa để gợi ra xuất xứ của cốt truyện và của nhân vật, nhưng cũng chỉ mới có tính là ước lệ thôi chứ chưa đúng với hiện thực.
Âm nhạc
Chúng ta đều biết không có một nền âm nhạc nào không mang tính kế thừa và phát triển, hai mặt này đi song song với nhau, cùng nằm trong hiện tượng văn hoá-nghệ thuật qua nhiều thế hệ, bắt gốc từ yếu tố tộc người trong thời kỳ sơ khai. Nó đã ăn sâu và tác động vào điều kiện tâm-sinh lý của con người, và mang tính di truyền. Nó là một hiện tượng mang tính qui luật tạo thành mầm mống cho ngôn ngữ âm nhạc dân tộc. Âm nhạc cải lương cũng không tách khỏi qui luật này.
Người ta thường nói cải lương xuất phát từ Lục Tỉnh ( Miền nam ), đó là cách nói rút gọn, nhưng đứng về mặt lịch sử thì nhạc cải lương là một loại nhạc sân khấu, được phát triển dựa trên phong trào ca nhạc tài tử (phong trào chơi nhạc không chuyên nghiệp lan rộng khắp Nam bộ thời trước). Loại nhạc này bắt nguồn từ nền ca nhạc dân gian lâu đời của nước Việt , đồng thời phát triển với những cuộc di dân về phương Nam của ông cha ta. Cũng những cây đàn ấy, càng đi khỏi vùng đất Tổ thì càng trở nên linh động với những màu sắc mới lạ và biến thành một loại hình nghệ thuật độc đáo dân tộc. Có thể nói đó là đức tính của con người Việt Nam được hun đúc qua những cuộc di dân lớn, đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt, vượt qua muôn nghìn khó khăn gian khổ để xây dựng thôn ấp, phát triển xã hội.
Âm nhạc cải lương chịu ảnh hưởng của hai nền nhạc lớn đã có từ thời cổ và tồn tại đến bây giờ, đó là nền ca hát dân gian và nền nhạc khí dân gian. Hai nền nhạc này tạo cho cải lương một phong cách đặc biệt, do đó trong âm nhạc cải lương, yếu tố ca hát và yếu tố nhạc khí cùng thúc đẩy nhau phát triển và tạo ra một hình thức đối lập trong nhiều bè, mở đường cho sự nảy nở của tính chất sân khấu. Tại Miền Nam hiện nay dân chúng chỉ còn được nghe khí nhạc thuộc loại tế tự (nhạc lễ) còn âm hưởng của nhạc cung đình thì đã thuộc về dĩ vãng.
Từ khi chữ Nôm bắt đầu xuất hiện thì thơ ca dân gian càng phát triển, chữ Nôm dùng để sáng tác các bản nhạc. Nhà Lê, ngoài các bậc công hầu ra, trong hàng sĩ phu phần đông đều có hiểu biết về niêm luật âm nhạc. ở Huế đã hình thành nền nhã nhạc, yếu tố bác học làm cơ sở cho sự kế thừa và phát triển của phong trào ca nhạc tài tử Miền Nam.
Nghệ thuật âm nhạc miền Trung dần dần phát triển ra khắp thôn xã song song với sự phát triển của một vài yếu tố âm nhạc dân gian Trung Hoa. Phương thức cải biến vật chất thành nhu cầu cần thiết cho con người, ảnh hưởng khá lớn đến phương thức biểu hiện tư tưởng bằng hiện tượng nghệ thuật. Tài khéo léo và óc sáng tạo của con người làm thay đổi rất nhiều các loại hình nghệ thuật phù hợp với thẩm mỹ quần chúng lúc bấy giờ.
Nhạc cải lương được hình thành từ trong lòng người Việt Nam cần cù và gian khổ, lớn lên trong những thử thách đầy khó khăn nguy hiểm mà con người đấu tranh để sinh tồn. Nhạc miền Trung khi phát triển vào Nam bộ thì bị mất một phần đặc điểm, chủ yếu là bị lệ thuộc vào tiết tấu sinh hoạt và ngôn ngữ của người dân Nam bộ.
Từ khi triều đình nhà Nguyễn, xã hội Miền Nam bị phân hóa nhanh chóng, sự đổ vỡ có mức độ của ý thức hệ phong kiến trong xã hội Nam Kỳ chủ yếu là do phương thức sản xuất mang yếu tố tư bản xuất hiện, tư tưởng và tình cảm con người đã thoát ly dần những tục tập cũ kỹ, lỗi thời. Sự thoái trào của nền nhạc lễ để nhường cho phong trào của ca nhạc tài tử phát triển từ trong lòng của nó là một sự kiện rất mới. Phong trào dân ca được quần chúng ưa thích dần dần phát triển trong toàn Nam bộ và trở thành phong trào ca tài tử. Số người biết đàn biết ca ngày càng đông, nhất là ở vùng nông thôn, với hình thức nghệ thuật đơn giản tao nhã như vậy, người nông dân nào cũng có thể học tập được. Trong khối quần chúng to lớn, sau này đã xuất hiện nhiều nhân tài của nghệ thuật âm nhạc và sân khấu cải lương. Nhạc tài tử dần dần phát triển về nội dung lẫn hình thức, tiếp thu thêm những luồng nhạc khác như dân ca địa phương, hò, lý, nói thơ…đồng thời có một sự cách tân trong toàn bộ nhạc lễ: trước kia nhạc lễ chỉ là loại khí nhạc, sau khi được cách tân thì trở thành những ca khúc tự sự với nội dung phản ánh tinh thần của thơ ca truyền thống như: Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc, Kim Vân kiều, Lục Vân Tiên… Phong trào đó phát triển từ thành thị đến nông thôn thành nhu cầu thiết yếu của các tầng lớp, kể cả giới trí thức trong những cuộc liên hoan, hội hè, cưới hỏi và song song với sự phát triển đời sống vật chất, nhạc tài tử đem đến cho họ một tình cảm mới mẻ.
Phong trào tạo thành những trung tâm như Sài Gòn, Chợ Lớn, Cần Thơ, Bạc Liêu… Ngoài những cố gắng sáng tạo thêm hình loại khúc thức mới, các nhà âm nhạc còn khái quát hóa toàn bộ hệ thống điệu thức trong nhạc truyền thống và phân chia thành các loại hơi chủ yếu như: hơi Bắc, hơi Nam, hơi Oán, v.v..
Hơi Bắc khái quát các điệu thức mang tính chất trong sáng, vui khỏe.
Hơi Nam khái quát các điệu thức mang tính chất trang nghiêm và đồng thời được phân chia thành một số hơi cụ thể như sau: hơi Xuân, hơi Ai, hơi Ðảo.
Hơi Oán là hơi được sáng tạo sau này, hoàn toàn thoát ly những hình thức cấu tạo theo kiểu nhạc lễ, đó là hơi thở của cuộc sống thời bấy giờ. Sự phân chia thành các loại hơi, xuất phát từ các mẫu giai điệu hoặc điệu thức giai điệu có tác dụng lập thành các mô hình âm thanh, và xếp loại các âm hình cơ bản (motif) được sử dụng trong quá trình nhạc khúc. Trong thực tế đời sống hằng ngày của nhân dân ta, chúng được cấu trúc trên nguyên tắc tập hợp và mang những ý nghĩa cụ thể đã trở thành một tập quán trong sự sáng tạo âm nhạc qua nhiều thời đại.
Về mặt nghệ thuật, nhạc tài tử trong giai đoạn này đã đóng góp nhiều yếu tố mới trong đời sống âm nhạc của quần chúng, được bà con nông dân ưa mến và bảo vệ đã tiến đến một thời kỳ rực rỡ hơn bao giờ hết, mở đầu cho sự xuất hiện một loại hình nghệ thuật mới, đó là nghệ thuật sân khấu cải lương. Từ một hình thức ca hát thính phòng của phong trào nhạc tài tử, một bộ phận tách ra mang tính chất diễn xướng (nói lối, ngâm thơ, ca hát) tức là hình thức ca ra bộ (vừa ca vừa ra bộ). Như vậy, đứng về mặt nghiên cứu của âm nhạc, chúng ta thấy có hai phong cách, trong phương pháp diễn tấu nhạc cụ và ca hát, đó là phong cách tài tử và phong cách cải lương.
Phong cách tài tử: mang tính chất thính phòng, không đông người, được tổ chức ở trong nhà, công viên, trên thuyền lúc đêm trăng đi sâu vào chiều sâu của tình cảm, người đàn và hát chủ yếu là để phục vụ người nghe.
Phong cách cải lương: thể hiện tính sân khấu, vì trung tâm của nghệ thuật diễn xuất là diễn xuất, các bộ môn nghệ thuật khác như âm nhạc, giúp nó đạt đến một hiệu quả nhất định, hợp thành toàn bộ một hình thức nghệ thuật sân khấu.
Vấn đề ca hát hoặc diễn tấu nhạc cụ trong cải lương cũng phải mang tính chất hành động- không như biểu diễn theo phong cách tài tử vì đặc trưng của sân khấu cải lương là ca hát. Ca hát tài tử và ca hát sân khấu là hai lĩnh vực khác nhau và trong mỗi lĩnh vực đều có những nghệ sĩ tiêu biểu. Chẳng hạn, trong ca hát sân khấu cải lương, có những ngôi sao như Phùng Há, Ba Vân, Năm Châu… và những ca sĩ tài tử nổi tiếng như cô Tư Sang, cô Ba Bến Tre, cô Tư Bé, Năm Nghĩa…Những tác giả âm nhạc tài tử như ông Sáu Lầu (Cao Văn Lầu), ông Bảy Triều, những tác giả nhạc sân khấu như các ông Mộng Vân, Bảy Nhiêu, Tư Chơi, Sáu Hải v v… đã đóng góp nhiều sáng tác mới phù hợp với đà phát triển của nghệ thuật cải lương, trong đó có bài vọng cổ cho đến bây giờ đã trở thành một chủ đề lớn về âm nhạc, mà nhiều nghệ sĩ nhờ đấy phát huy một sức sáng tạo và xây dựng nên sự nghiệp nghệ thuật cho bản thân mình.Nếu như những hạt giống đó không nảy mầm từ trong lòng dân tộc và nuôi dưỡng của nhân dân qua nhiều thế hệ, thì nghệ thuật cải lương không thể tồn tại cho đến ngày hôm nay.
Âm nhạc cải lương hơi nhẹ nhàng vì dùng đờn dây tơ và dây kim, không có kèn trống như hát bội. Có sáu thứ đờn thường dùng trong điệu cải lương như sau:
1. Đờn kìm: đờn Kìm cũng gọi là “Nguyệt cầm” có hai dây tơ và tám phím. Tiếng kìm tuy không trong và thanh như tiếng Tranh hay Lục huyền cầm, nhưng cũng có âm hưởng nhiều nên khi hòa với cây Tranh nghe rất hay. Tùy hơi cao thấp của diễn viên, đờn Kìm có thể đờn năm dây Hò khác nhau.
2. Đờn Tranh: đờn Tranh hay đờn Thập Lục có 16 dây. Tiếng đờn Tranh được thanh tao nhờ dùng dây kim và nhấn tiếng có ngân nhiều. Cũng như cây kìm, đờn Tranh có thể đổi bực dây Hò tùy theo hơi cao thấp của người ca.
3. Đờn Cò: Cây Cò, cũng gọi là đờn Nhị, có hai dây tơ, không có phím và dùng cây cung để kéo ra tiếng. Ðờn Cò là cây đờn đắc dụng nhất của âm nhạc Việt Nam. Nó chẳng khác nào cây Violin trong âm nhạc Âu Mỹ. Luôn luôn có mặt torng hát Bội, Cải lương, nhạc Tài tử,…
4. Đờn Sến: Cây Sến có hai dây tơ và có đủ bậc như cây Banjo, nên đờn ít nhấn và có nhiều chữ lợ nghe ngộ. Có khi đờn ba dây nghe hơi như đờn Tỳ.
5. Guitare: Cây Guitare cũng gọi Lục huyền cầm hay Tây ban cầm, có sáu dây kim, nhưng thường đờn có năm dây. Tiếng thanh như đờn Tranh, khi đờn bực cao.
6. Violin: Cây Violin, cũng có tên là Vĩ Cầm, có bốn dây tơ và cung kéo như đờn Cò. đờnnày dùng phụ họa với cây Guitare hay cây Tranh để đờn Vọng cổ nghe hay, nhưng ít dùng đờn các bản khác vì tiếng nó kêu lớn làm lấn áp mấy cây đờn kia.
7. Cây Sáo: Cây hay ống Sáo, hoặc ống Tiêu, cũng có dùng trong điệu Cải lương, nhưng nó có một bậc Hò, không thay đổi. Thành thử người ta phải theo bậc Hò bất di bất dịch ấy.
8. Cây Cuỗn: Cây Cuỗn giống như cây Kèn, nhưng không có cái Loa.
Âm điệu
Bài ca Cải lương đặt theo bản đờn, nên kịch sỹ phải tùy âm nhạc, không được tự do phô diễn hết tài năng của mình như trong điệu hát Bội. Ca dư hơi thì trễ đờn, còn thiếu hơi dứt trước đờn. Kịch sỹ bị bó buộc trong khuôn khổ nhịp đờn, dầu có hơi hám nhiều cũng không thể vượt ra ngoài nhịp vì sợ ca lỗi nhịp. Lúc sau này, trong điệu Cải lương có bản Vọng cổ thêm nhiều nhịp. Bài ca vọng cổ đặt không ăn sát câu đờn, miễn vô đầu và dứt câu đờn, ca cho trúng hơi, trúng nhịp. Nhờ vậy, có nhiều kịch sỹ được tự do phô bày hết khả năng của mình.
Một khuyết điểm thứ hai là đương nói chuyện kế bắt qua ca. Trừ một ít danh ca biết cách “mở hơi” cho câu ca của mình có hứng thú, còn phần đông vô ca nghe khô khan lã chã lắm, không có mùi vị chút nào. Lỗi ấy một phần do ban âm nhạc thờ ơ, không thuộc chỗ nào sắp ca đặng giao đờn trước hầu gợi ý cho khán giả có cảm giác vui buồn trước khi nghe ca, như bên âm nhạc hát Bội.
Cải lương được chỗ ưu điểm là nhờ âm nhạc biết tùy hơi cao thấp của kịch sĩ để lên dây Hò, nên kịch sỹ ca đúng hơi “thiên phú” của mình không rán hơi quá như bên hát Bội.
Nguon:tranquanghai.info


Tìm theo thuật ngữ: sân khấu nghệ thuật Việt Nam.
Toán tử: and.

> Kỳ 1: Cải lương bắt nguồn từ nghệ thuật đờn ca tài tử
Rõ ràng sự ra đời của sân khấu cải lương là quá trình lắng đọng, kết tinh có chọn lọc nhiều yếu tố bên trong, bên ngoài để hình thành một hình thức sân khấu bản địa Nam bộ, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của đông đảo công chúng về một cái đẹp tổng hợp của sân khấu ca kịch, đặc biệt là hình thức thẩm mỹ âm nhạc, ca hát, múa… làm phong phú thêm nền văn hóa, nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Sự hội tụ những tinh hoa văn hóa, nghệ thuật đương đại vào sân khấu cải lương giúp loại hình nghệ thuật non trẻ này vừa ra đời đã nhanh chóng phát triển tới mọi miền đất nước, chiếm giữ vị trí thượng phong trong nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, nghệ sĩ lão thành, cải lương Nam bộ có mặt đầu tiên trên đất Bắc là gánh của ông bầu Nguyễn Văn Súng (Sáu Súng) vào khoảng đầu năm 1920. Không chỉ chinh phục khán giả thủ đô, ông bầu Nguyễn Văn Súng còn đưa đoàn hát của mình lưu diễn nhiều tỉnh, thành phía Bắc. Sau chuyến lưu diễn thành công của gánh Sáu Súng, hàng loạt gánh hát cải lương Nam bộ cũng lên đường ra Bắc. Những vở diễn đỉnh cao của sân khấu phương Nam qua sự hóa thân của các ngôi sao nổi tiếng đương thời đã làm nức lòng những người yêu cải lương miền Bắc. Đây cũng là thời kỳ các nghệ sĩ tiền bối miền Bắc nhanh chóng tiếp thu loại hình nghệ thuật độc đáo của phương Nam để xây dựng những đơn vị cải lương cho mình. Nhiều gánh hát được thành lập.

Các nghệ sĩ nhận HCV giải Thanh Tâm năm 1958: Từ trái qua: Thanh Nga, Ngọc Giàu,Lan Chi, Bích Sơn. Ảnh: THANH TUYÊN
Tiêu biểu trong số này phải kể đến những gánh hát của bà bầu Trần Thị Sình (thân mẫu NSND Ái Liên - bàngoại Nhà giáo Nhân dân Hà Quang Văn - Nguyên hiệu trưởng trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM). Từ năm 1935-1950, bà bầu Trần Thị Sình đã liên tiếp lập ra nhiều gánh hát như Liên Hiệp, Hiệp Thành với thành phần đào kép chủ yếu là người miền Bắc. Qua khả năng diễn xuất tài hoa và chất giọng ngọt ngào của những ngôi sao cải lương đất Bắc như Ái Liên, Sĩ Tiến, Đào Mộng Long… những vở diễn của đoàn như “Huyền Trân công chúa”, “Khuất Nguyên”… không chỉ làm nức lòng khán giả thủ đô mà còn chinh phục trọn vẹn tình cảm khán giả khắp Bắc - Trung - Nam. Bằng tài năng và tình yêu sâu nặng với cải lương, những thế hệ soạn giả, diễn viên, đạo diễn miền Bắc đã làm nên hàng loạt những vở diễn đỉnh cao, như “Phạm Tải - Ngọc Hoa”, “Trưng Vương” của đoàn Kim Phụng; “Lã Bố và Điêu Thuyền”, “Chuyện cũ Cổ Loa” của đoàn Chuông Vàng; “Lam Sơn tụ nghĩa”, “Hồi xuân dược”... Nhiều vở diễn đã đi vào lịch sử như những tác phẩm kinh điển của nghệ thuật sân khấu Việt Nam, để lại dấu ấn trong lòng công chúng như những di sản truyền nghề cho đến tận hôm nay.

Các nghệ sĩ nhận HCV giải Thanh Tâm năm 1958: Từ trái qua: Thanh Nga, Ngọc Giàu, Lan Chi, Bích Sơn. Ảnh: THANH TUYÊN
Trở lại miền Nam, cái nôi của nghệ thuật cải lương, để có được những thời kỳ thăng hoa rực rỡ, loại hình nghệ thuật này cũng từng đối diện với muôn vàn thử thách, khó khăn. Để vượt qua những giai đoạn khủng hoảng đó, cải lương đã liên tục làm mới mình. Chẳng hạn, vào những năm đầu 1930, khi Đông Dương bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi khủng hoảng kinh tế, hàng loạt những gánh đại ban như Trần Đắc, Huỳnh Kỳ, Đồng Thinh… đều rã gánh. Đời sống người dân lâm vào cảnh lao đao. Những vở tâm lý xã hội phản ánh nỗi bất hạnh của người dân dưới cảnh một cổ hai tròng trong sự hà khắc của lễ giáo phong kiến, như “Tô Ánh Nguyệt”, “Đời cô Lựu”… đã được đông đảo khán giả ái mộ. Khi giai đoạn khủng hoảng kinh tế qua đi, cuộc cách mạng tháng 8 thành công, cải lương thêm một lần nữa biến chuyển để thích nghi với hoàn cảnh. Hàng loạt trường phái cải lương mới ra đời. Tiêu biểu trong số này là phong trào cải lương “Thật và Đẹp” do NSND Năm Châu khởi xướng. Với chủ trương nghệ thuật cải lương phải “Thật và Đẹp”, nhiều gánh đã hạn chế dàn dựng những tuồng tích cổ, dùng nhiều chữ Nho mà chuyển sang những đề tài gần gũi cuộc sống của khán giả, đòi hỏi nhiều khả năng diễn xuất nội tâm nhân vật. Điều này đã góp phần thúc đẩy cải lương tâm lý xã hội hồi sinh và phát triển lên một tầm cao mới.

Đặc biệt, sau Hiệp định Geneve 1954, hàng loạt soạn giả nổi tiếng như Trần Hữu Trang, Mai Quân, Hà Triều, Hoa Phượng… từ chiến khu trở về đã đem lại luồng sinh khí mới cho sân khấu, tiếp tục làm nên thời kỳ hoàng kim cho loại hình nghệ thuật này. Đây là thời kỳ “trăm hoa đua nở” trên sân khấu cải lương. Hàng loạt những gánh hát đại ban, trung ban đến tiểu ban được thành lập biểu diễn khắp nơi. Mỗi đoàn hát lại có phong cách riêng đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khán giả. Đoàn Kim Chung của ông bầu Long chuyên về tuồng hương xa, kiếm hiệp mang màu sắc diễm tình; đoàn Dạ Lý Hương của ông bầu Xuân thiên về tuồng hiện đại sát với hiện thực xã hội đương thời; đoàn Thanh Minh của bà bầu Thơ mạnh về loại tuồng tâm lý xã hội sâu sắc, sang trọng dành cho khán giả trí thức; đoàn Minh Tơ, Huỳnh Long chuyên hát cải lương hồ quảng, tuồng cổ… Chính phong cách riêng đã tạo nên sự đa dạng và sức hút cho sân khấu cải lương thời hoàng kim với hàng loạt những vở diễn, những ngôi sao lẫy lừng như Thanh Nga, Ngọc Giàu, Phượng Liên, Diệu Hiền, Thanh Nguyệt, Hồng Nga, Lệ Thủy, Mỹ Châu, Diệp Lang, Phương Quang, Thanh Sang, Minh Phụng, Minh Vương, Thanh Kim Huệ…
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhiều sự kiện xã hội tác động đã góp phần đưa loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc nhanh chóng thoát khỏi cơn khủng hoảng gay gắt bởi sự lấn áp của phim ảnh nước ngoài và các đại nhạc hội kéo dài dưới chế độ ngụy quyền Sài Gòn từ những năm đầu thập niên 1970 để bước lên một thời kỳ đỉnh cao mới - thời kỳ rực rỡ nhất trong lịch sửhình thành và phát triển của loại hình nghệ thuật độc đáo này. Với chủ chương đẩy mạnh cuộc cách mạng tư tưởng văn hóa, trong bộn bề khó khăn của những năm đầu giải phóng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tùy theo tình hình thực tế của địa phương, ngành văn hóa thông tin các tỉnh, thành có thể tổ chức, thành lập các đoàn cải lương theo mô hình quốc doanh hoặc tập thể, đáp ứng kịp thời nguyện vọng của đông đảo người hâm mộ. Trung bình, trong suốt thời kỳ vàng son kéo dài từ 1975 đến 1990, mỗi địa phương có từ 1 đến 3 đoàn cải lương, thậm chí, nhiều địa phương như TP.HCM có trên dưới 10 đoàn. Ngoài thế hệ nghệ sĩ hùng hậu là những ngôi sao tỏa sáng lẫy lừng từ những năm trước giải phóng, sân khấu cải lương còn có sự tham gia đông đảo của những tác giả, nhạc sĩ, đạo diễn, diễn viên trẻ, tài năng được đào tạo bài bản trong và ngoài nước. Bên cạnh những kịch bản tiến bộ cũ được chỉnh sửa lại như “Đời cô Lựu”, “Con cò trắng”, “Tấm lòng của biển”… sân khấu cải lương đã tích cực góp phần xây dựng đất nước qua hàng loạt những kịch bản mới có chất lượng nghệ thuật cao, phản ánh kịp thời những vấn đề của xã hội, như “Tìm lại cuộc đời”, “Ánh lửa giữa rừng khuya”, “Lửa phi trường”, “Đôi bông tai”, “Khách sạn hào hoa”, “Cây sầu riêng trổ bông”… được người xem nồng nhiệt đón nhận. Từ Bắc vào Nam, nhiều vở diễn hàng trăm xuất vẫn không đáp ứng hết nhu cầu ngày càng tăng cao của khán giả. Rạp không còn sức chứa, các đoàn phải bung ra diễn tại sân vận động.
Rõ ràng, dưới sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cùng sự chung lòng, chung sức của nhiều thế hệ nghệ sĩ, đã làm nên một thời hưng thịnh nhất của cải lương Nam bộ trong lịch sử phát triển của loại hình nghệ thuật độc đáo này. Cho đến tận hôm nay, chắc hẳn nhiều thế hệ nghệ sĩ và khán giả vẫn còn mãi tôn vinh về những thành tựu rực rỡ đã q

Tái hiện khúc tráng ca những anh hùng áo nâu


Tái hiện khúc tráng ca những anh hùng áo nâu

TP - Sáng 16/3, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang tổ chức Lễ kỷ niệm 131 năm khởi nghĩa Yên Thế và Lễ hội Yên Thế.

Tại Lễ kỷ niệm, ông Lưu Xuân Vượng, Chủ tịch UBND huyện, nêu bật công lao to lớn của những anh hùng áo nâu như Hoàng Đình Kinh (Cai Kinh), Lương Văn Nắm (Đề Nắm) và đặc biệt là Hoàng Hoa Thám (Đề Thám) trong cuộc đấu tranh chống phong kiến và thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

Lễ hội Yên Thế có màn tế cờ, phóng ngư, phóng điểu… thể hiện khát vọng tự do, ý chí quật cường của người dân Việt Nam. Ngoài ra, có nhiều hoạt động văn hóa - thể thao như: thi bịt mắt bắt dê, đẩy gậy, bắn nỏ, biểu diễn múa rối nước, hát quan họ, thi trang phục dân tộc…


Tìm kiếm theo thuật ngữ: văn nghệ

Thơ ca lục bát việt nam.



Tìm theo thuật ngữ: Thơ ca lục bát việt nam.

Toán Tử: and.

Không tác động trực tiếp vào cảm giác như nghệ thuật tạo hình và nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật ngữ văn dân gian tác động tới con người bằng những ký hiệu ngôn ngữ. Là một loại hình của nghệ thuật ngữ văn dân gian, ca dao, thông qua những tín hiệu ngôn ngữ, đã thể hiện phong phú và linh hoạt những hình tượng thẩm mỹ văn học, phản ánh mọi mặt của cuộc sống sinh hoạt, những suy tư và diễn biến tình cảm của con người.

 

      Được sản sinh ra từ trong môi trường diễn xướng, qua những buổi lao động sinh hoạt văn hóa cộng đồng trên đồng ruộng, bãi lúa, ven sông, những buổi hội làng... tính ngẫu hứng đầy thẩm mỹ của ca dao thực sự chỉ được thể hiện trọn vẹn khi được đưa vào môi trường sinh hoạt diễn xướng dân ca. Nếu sinh hoạt diễn xướng dân ca đã thực sự mang lại cho lời ca dao một dáng vẻ mới, sinh động, phong phú hơn, giá trị diễn tả nội dung đạt đến độ nghệ thuật cao hơn thì ngôn ngữ ca dao trong sinh hoạt diễn xướng dân ca với sự cộng hưởng của các yếu tố nghệ thuật dân gian luôn toả sáng, làm cơ sở trực tiếp cho những giai điệu dân ca đậm đà hương đồng gió nội

     1. Ngôn ngữ ca dao là ngôn ngữ của thể loại thơ ca dân gian

     Thơ ca dân gian là một thể loại nghệ thuật ngôn từ mang tính đặc trưng riêng biệt. Ngôn ngữ thơ ca dân gian có nguồn gốc dân dã, thể hiện bản chất bình dị, chất phác, hồn nhiên của người nông dân lao động. Đó cũng chính là đặc tính cơ bản của loại hình ngôn ngữ trong ca dao.

     Là những tác phẩm thơ ca dân gian, ca dao được sáng tác dưới nhiều hình thức thơ khác nhau: song thất, song thất lục bát, bốn chữ, hỗn hợp, tuy nhiên được vận dụng phổ biến hơn cả là thể lục bát. Qua Kho tàng ca dao người Việt (1) ta thấy: trong tổng số 11825 đơn vị, có 10305 đơn vị được sáng tác theo thể lục bát, lục bát biến thể chiếm 87% số lượng tác phẩm. Điều này thật dễ hiểu vì thơ lục bát là “những lời nói vần” gần gũi với lời ăn tiếng nói của nhân dân, dễ nhớ, dễ thuộc. Vì vậy, khi nghiên cứu ngôn ngữ trong ca dao, ta không thể tách nó khỏi thể loại thơ ca dân gian, đặc biệt là thể thơ lục bát trong ca dao.

     Thể lục bát truyền thống trong ca dao bộc lộ trực tiếp những tâm tình nảy sinh từ thực tiễn cuộc sống; thể hiện từ những bức tranh lao động đến những suy nghĩ về cuộc đời, từ khoảnh khắc hồn nhiên vô tư của con người đến những diễn biến tình cảm trữ tình phong phú... Vì vậy ngôn ngữ ca dao vừa hàm chứa những giá trị suy tư, suy lý như Bao giờ cho đến tháng ba, Con vua thì lại làm vua, Dã Tràng xe cát biển đông... vừa giàu chất tự sự trong Thằng Bờm, Hôm qua em đi hái dâu, Cái cò cái vạc cái nông... Hơn thế, ngôn ngữ ca dao còn mang phong cách trữ tình dân gian bay bổng lãng mạn với Đêm trăng thanh, Trèo lên cây bưởi hái hoa... Ngôn ngữ mộc mạc giản dị khiến những lời thơ trong ca dao dường như trở nên lung linh, đằm thắm hơn thể hiện đậm nét những giá trị nghệ thuật truyền thống.

     Các tác phẩm ca dao theo thể lục bát được vận dụng linh hoạt và nhiều vẻ nhất trong dân ca, trong những giai điệu ngâm ngợi, ca xướng uyển chuyển. Sở dĩ như vậy là do kết cấu đặc trưng riêng biệt về âm luật của thể loại thơ này. Dưới góc độ thi pháp, có thể thấy lục bát mang đầy đủ dáng dấp của một thể thơ cách luật với những yếu tố đặc thù về tổ chức âm thanh: gieo vần, ngắt nhịp, phối điệu trong hình thức tối thiểu là một cặp lục bát gồm 2 câu với số tiếng cố định: 6 tiếng (câu lục) và 8 tiếng (câu bát). Vì vậy, mọi nguyên tắc tổ chức ngôn từ thơ ca của thể lục bát được tạo dựng theo một thể thức nhất định, lặp đi lặp lại trong tác phẩm, tuân thủ nghiêm ngặt cơ cấu tổ chức âm luật về phương thức gieo vần, ngắt nhịp, phối điệu, cơ sở quan trọng để tạo dựng lên những lời dân ca giàu chất dân gian. Phương thức gieo vần 6-8 là thao tác đặc biệt tạo nên vẻ nhịp nhàng trong ngôn ngữ thơ, là phương tiện tổ chức văn bản và là chỗ dựa cho sự phát triển nhạc tính để hình thành nên những âm hưởng nhiều mầu sắc vang vọng trong thơ. Lối ngắt nhịp chẵn (chủ yếu là nhịp hai) có một ý nghĩa quan trọng tạo nên sự phân bố và lặp đi lặp lại ngắt quãng các đơn vị ngôn từ, tạo điều kiện cho sự chuẩn hóa về mặt thẩm mỹ trong lời thơ. Còn phối điệu mang lại âm điệu trầm bổng trong thơ bằng sự sắp xếp phối hợp các thanh điệu bằng trắc theo nguyên tắc nhất định thể hiện tính cân đối hài hòa về âm thanh giữa các nhịp và các vế tương đương:

Cách sông/ em chẳng/ sang đâu

 Anh về/ mua chỉ/ bắc cầu/ em sang

 Chỉ xanh/ chỉ đỏ/ chỉ vàng

 Một trăm/ thứ chỉ/ bắc ngang/ sông này.

     Phương thức ngắt nhịp hai ở thể lục bát cũng là loại nhịp được vận dụng phổ biến và bao trùm trong dân ca. “Nhịp hai rất thích nghi với nhiều sinh hoạt lao động, sinh hoạt nghi lễ và các sinh hoạt khác trong đời sống xã hội. Sự luân phiên và đối tỷ giữa một phách mạnh và một phách nhẹ trong một đơn vị nhịp cũng vốn là đặc tính của nhiều dạng nhịp điệu lao động (chèo thuyền, nện đất, kéo gỗ..)nhịp trống mõ trong nghi lễ (đám rước, đám tang), trong nhảy múa và ca hát”(2). Có thể bắt gặp nhịp phách hai trong Hò đò dọc:

Thuyền anh/ ở bến/ mới ra

 Thuyền em/ thì ở/ xa xa/ mới về.

Hay trong Hát Dậm :

Tháng giêng/ đi hát/ đại trà/

 Lệnh làng/ phép nước/ đủ ba/ mươi ngày...

     Sự phân chia đều đặn của nhịp câu thơ là cơ sở trực tiếp cho nhịp điệu âm nhạc để rồi từ đó hình thành nên những giai điệu thích ứng với từng thể loại. “Trong tất cả những yếu tố khách quan tác động đến nhịp điệu âm nhạc trong dân ca thì yếu tố của nhịp điệu thơ là quán xuyến và trực tiếp hơn cả” và là “một cái khung đồ thị làm chỗ dựa cho nhịp điệu âm nhạc”(3). Vì lẽ đó, nhịp điệu thơ trong ca dao có một vai trò quan trọng đối với nhịp điệu âm nhạc trong dân ca. Đó là nhịp điệu của những ngôn từ mang sắc thái bình dị, dân dã dưới những thể thơ lục bát, song thất lục bát, song thất và hỗn hợp... Hình thức nghệ thuật và giá trị biểu hiện của mỗi thể thơ khác nhau nên tác động của chúng đối với giai điệu và hình thức diễn xướng dân ca cũng khác nhau.

     Thể 6-8 thường được vận dụng trong những bài ca có nội dung trữ tình hoặc giao duyên. Thể song thất lục bát (hai câu 7 chữ và một câu 6-8) thường dùng trong những bài hát có âm điệu “nói lối” và ca xướng do sắc thái giãi bày nội tâm của nhịp điệu thơ. Thể hỗn hợp 4, 5 chữ, kết hợp với thể lục bát và song thất lục bát được sử dụng nhiều trong những loại hát nghi lễ phong tục, những bài hát sinh hoạt, những bài hát giao duyên. Thể song thất không phải là hiện tượng phổ biến ở các tác phẩm ca dao dân ca. Những câu thơ 7 chữ này thường được gieo vần lưng:

 

Gió mùa thu mẹ ru con ngủ

Năm canh chầy thức đủ năm canh

     Sự biểu hiện cũng như nhạc điệu của lời ca phụ thuộc vào sự kết hợp của các từ, các dấu giọng trong ngôn ngữ thơ; nghĩa là, đặc điểm ngôn ngữ có vai trò quan trọng trong việc tạo dựng những lời thơ để rồi mang lại âm hưởng đặc trưng cho những lời dân ca.

     2. Ngôn ngữ ca dao là ngôn ngữ mang đặc trưng của tiếng Việt

     Tùy theo đặc điểm cấu tạo của ngôn ngữ từng dân tộc mà hệ thống nhịp điệu trong thơ, sắc thái tu từ, cách vận dụng ngôn ngữ mang những nét khác nhau. Tiếng Việt là loại hình ngôn ngữ đơn lập - âm tiết tính (ngôn ngữ không biến hình, mỗi tiếng đều mang một thanh điệu và hầu như đều có nghĩa) trong đó mỗi đơn vị âm tiết cơ bản đều là đơn vị của từ. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc hạn định số từ trong nội bộ dòng thơ. Trong cơ cấu âm luật của các thể thơ của ca dao mà đặc biệt là thể lục bát, các tiếng (âm tiết) là chất liệu tạo dựng để từ đó mọi yếu tố âm luật trong thơ được hình thành với lối gieo vần, ngắt nhịp, phối điệu mang mầu sắc đặc trưng của thể thơ. Nghĩa là nếu âm tiết là đơn vị hiệp vần thì các yếu tố âm điệu (bằng và trắc) trong một âm tiết là nhân tố thể hiện hình thức phối điệu của âm luật thể thơ; còn sự phối hợp chuyển động các nhịp theo số lượng các âm tiết là nhằm tạo cho lời ca dao có được vẻ đẹp hài hòa trên dưới giữa các dòng thơ. Có thể nói, thành phần cấu tạo của âm luật thi ca nói chung và ca dao nói riêng là sự thể hiện của hình thức cấu trúc ngôn ngữ với sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố âm tiết và thanh điệu tiếng Việt, trong đó âm tiết đóng vai trò là đơn vị tối thiểu đo độ dài của nhịp và của dòng, là thành phần tạo sắc thái vần điệu của thể thơ; còn thanh điệu được biểu hiện với chức năng tạo dựng thế đối lập trầm bổng trong dòng thơ. Rõ ràng, với ngôn ngữ đặc trưng, tiếng Việt đã tạo sắc thái riêng trong hình thức thể hiện của âm điệu thơ ca Việt Nam. Những ngôn ngữ biến hình của các nước châu Âu, như vần thơ Nga là một ví dụ (đơn vị tham gia hiệp vần là một từ hoặc lớn hơn một từ, có nghĩa là yếu tố hiệp vần trong thơ có thể là một âm tiết nhưng cũng có thể là nhiều âm tiết) thì không thể có điều kiện để sản sinh ra những thể thơ truyền thống như lục bát và song thất lục bát. Và mặc dù, ở mức độ tương đối, thơ Việt Nam có phần gần gũi với câu thơ cổ Trung Quốc do sự giống nhau về tiếng nói đơn âm tiết, về quy luật bằng trắc, về thanh điệu, song chính nhờ những mầu sắc đặc trưng của ngôn ngữ tiếng Việt với hệ thống nhịp điệu, sắc thái tu từ... mà thơ ca Việt Nam vẫn luôn mang một phong cách riêng đậm đà bản sắc dân tộc. Nhà thơ Chế Lan Viên đã từng nhận xét về ngôn ngữ tiếng Việt đó là “một thứ tiếng đơn âm nhưng đa thanh, làm cho câu thơ vừa ngắn gọn, vừa có tính chất âm nhạc” (4)

     Có thể nói, ngôn ngữ đa thanh giàu nhạc tính của tiếng Việt là cơ sở nhạc điệu của thơ ca, mà trong dân ca, ta thấy rõ nhất qua những bài hát mang phong cách nói hay ngâm. Và “sự hình thành các kiểu giai điệu này gắn rất chặt với cơ sở ngữ âm tiếng Việt và các hình thức thơ ca... Càng lùi lại khởi điểm phát triển của giai điệu dân ca thì mối quan hệ giữa nó với ngữ âm và các hình thức thơ ca càng rõ nét và gắn bó”(5)

     3. Ngôn ngữ diễn xướng trong ca dao

     Nghiên cứu khía cạnh diễn xướng của ngôn ngữ “không phải là sự tập hợp, thậm chí không phải là tìm hiểu những dấu hiệu biểu lộ của hình thức giao tiếp ngôn ngữ đơn thuần như là biểu tượng, từ, câu mà hơn thế đó là sự trình bày, sự phát ra của những biểu tượng, từ, câu qua hình thức biểu diễn của hành động, lời nói”(6). Như vậy tìm hiểu khía cạnh diễn xướng của ngôn ngữ tức là tìm hiểu ngôn ngữ của hành động, ngôn ngữ của hình thức biểu diễn, ngôn ngữ bộc lộ cảm xúc, ngôn ngữ miêu tả... Ngôn ngữ diễn xướng trong ca dao được thể hiện qua một số hình thức sử dụng ngôn ngữ cơ bản của một số thủ pháp nghệ thuật trong ca dao

     Hình thức sử dụng ngôn ngữ đối thoại và độc thoạ

     Độc thoại là hình thức kết cấu đơn giản nhất trong thơ ca trữ tình dân gian nhằm biểu đạt một cách trực tiếp, giản dị, tự nhiên những ý nghĩ tâm tư tình cảm của các nhân vật trữ tình. Ở dạng này, nội dung của lời ca hướng vào một ý lớn với ngôn ngữ mang tính tự sự. Hình thức này thường được sử dụng trong sinh hoạt dân ca nghi lễ phong tục và dân ca lao động. Đó là những câu hát với những lời lẽ trang trọng kể về sự tích, ca ngợi công đức các anh hùng trong dân ca nghi lễ:

Bề trên hiển thánh đời Trần

 Một đình một miếu bốn dân phụng thờ

Anh linh bảo hộ từ xưa

 Dân khang vật thịnh đội nhờ thánh công...

(Hát chèo tàu- Hà Tây)

     Diễn tả tâm tình của người con gái trong khi dệt vải:

Em ngồi kéo vải quay tơ

 Để anh đọc sách ngâm thơ kẻo buồn

 Em ngồi kéo vải bán buôn

Để bán cái buồn dệt vải cho anh

(Múa đèn - Thanh Hóa)

     Hình thức ngôn ngữ ca dao mang tính chất đối thoại được sử dụng rộng rãi trong lối hát đối đáp dân ca. Đó là những bài ca mang hình thức đối thoại giữa hai nhân vật trữ tình, diễn tả mọi mặt sinh động của cuộc sống

- Em đố anh dầu chi là dầu không thắp?

 Bắp chi là bắp không rang?

 Than chi là than không quạt

 Bạc chi là bạc không mu

- Nắng dãi mưa dầu là dầu không thắp

 Bắp mồm bắp miệng là bắp không rang

 Than hỡi than hời là than không quạt

 Bạc tình bạc ngãi không đổi không mua

     Bằng hình thức sử dụng ngôn ngữ mang tính ẩn dụ, tác giả dân gian đã diễn tả lối đối đáp khôn ngoan, mang hàm ý sâu sắc, tạo cho người nghe những liên tưởng phong phú và ý nghĩa khái quát cao.

     Ngôn ngữ đối thoại cũng thật gần gũi với sinh hoạt của cuộc sống đời thường. Đó chỉ là hình ảnh con trâu, cái cày, những người bạn của nhà nông, nhưng khi bước vào ca dao, nó đã trở thành những hình tượng nghệ thuật mang tính chất so sánh

Của chua ai thấy chẳng thèm

 Em cho chị mượn chồng em mấy ngày

- Chồng em nào phải trâu cày

 Mà cho chị mượn cả ngày lẫn đêm

     Đặc biệt hình thức đối thoại trong ca dao là cơ sở cho những bài hát đối đáp giao duyên, một hình thức phổ biến trong sinh hoạt diễn xướng dân ca ba miền mà nhân vật chính là hai bên nam nữ. Phần lớn nội dung đều mang tính trữ tình, diễn tả tâm trạng của tình yêu lứa đôi:

Mình về có nhớ ta chăng

 Ta như lạt buộc khăng khăng nhớ mình

 Ta về ta cũng nhớ mình

 Nhớ yếm mình mặc, nhớ tình mình trao

     Đó là những lời ca sử dụng hình thức ngôn ngữ với lối kết cấu hai vế tương hợp; có nghĩa là lời của vế trên có thể được tách ra độc lập với lời của vế dưới vì nó đã diễn tả một ý trọn vẹn. Do vậy người hát có thể vận dụng linh hoạt các vế đối của câu thơ tùy theo hoàn cảnh diễn xướng.

     Bên cạnh đó, lối kết cấu hai vế đối lập trong lời ca dao cũng đã tạo nên vẻ sinh động của những câu hát giao duyên trong dân ca:

- Anh đến tìm hoa thì hoa đã nở

Anh đến tìm đò thì đò đã sang sông

 Anh đến tìm em thì em đã lấy chồng

 Em yêu anh như rứa có mặn nồng chi mô?

- Hoa đến kỳ thì hoa phải nở

 Đò đã đầy thì đò phải sang sông

Đến duyên thì em phải lấy chồng

 Em yêu anh như rứa đó còn mặn nồng thì tùy anh.

     Lời hát đối đáp thể hiện hai ý đối lập nhau về một tình yêu đã qua, chỉ còn lại lời trách móc của người con trai trước sự bội bạc của người yêu xưa đã đi lấy chồng. Nhưng người con gái đã tiếp lời chàng trai để phủ nhận sự cáo buộc vô lý của chàng; bởi lẽ thời gian không chờ đợi ai, nàng buộc phải “sang sông” như lẽ thường của quy luật cuộc sống. Trái ngược với sự tiếc nuối của chàng trai, cô gái khẳng định tình cảm của mình một cách rõ ràng.

     Có thể nói, trong ca dao, dấu ấn đối thoại thể hiện không chỉ ở những bài ca được kết cấu 2 vế đối đáp mà ngay cả ở những bài ca mang tính độc thoại vẫn là sự thể hiện của lối trò truyện giãi bày trực tiếp được sử dụng linh hoạt trong các cuộc hát lẻ và hát cuộc của sinh hoạt dân ca

     Ngôn ngữ thời gian và không gian

     Ngôn ngữ diễn tả thời gian: Thời gian được diễn tả trong ca dao là thời gian nghệ thuật. Mỗi thể loại văn học đều mang nét đặc thù riêng về thời gian nghệ thuật. Nếu như trong sử thi là thời gian “khuyết sử”- thời gian của lịch sử được thêu dệt mang tính khái quát hàng nghìn năm, đậm chất thần thoại, thì thời gian trong cổ tích là thời gian của quá khứ không xác định mang tính hoang đường gắn với một chuỗi liên tục của các sự kiện từ “ngày xửa ngày xưa” , còn thời gian nghệ thuật trong ca dao là thời gian hiện tại có nghĩa là “thời gian của tác giả và thời gian của “người đọc” (người thưởng thức) hòa lẫn với thời gian của người diễn xướng”(7).

     Thời gian hiện tại trong ca dao được biểu hiện bằng những cụm từ chỉ hiện tại như: “bây giờ” “hôm nay”:

- Bây giờ anh bắt tay nàng

 Hỏi sao lá ngọc cành vàng xa nhau

- Hôm nay mười bốn mai rằm

 Chín tháng cũng đợi, mười năm cũng chờ.

     Tuy vậy “bây giờ” hay “hôm qua” chỉ là những cụm từ mang tính chất phiếm chỉ, diễn tả một quãng thời gian của hiện tại, của sự gặp gỡ và chia ly, của những mối tình sống mãi với thời gian... Như vậy, thời gian hiện tại trong ca dao chủ yếu mang tính ước lệ, nhằm diễn tả tâm lý và những diễn biến tình cảm nội tâm của nhân vật.

     Và ngay cả khi sử dụng những cụm từ chỉ quá khứ như: “hôm qua”, “đêm qua”, “khi xưa” thì thời gian trong ca dao vẫn diễn tả sự việc mang ý nghĩa hiện tại:

Đêm qua dồn dập mưa mau

 Gió rung cành ngọc cho đau lá vàng

 Trách chàng phụ ngãi tham vàng

 Ngô đồng nỡ để phượng hoàng ngẩn ngơ

Biết nhau từ bấy đến giờ

 Đã cho bướm đậu thì chừa sâu ra

     Đó là tiếng lòng ai óan của người phụ nữ bị phụ bạc. Cô trách người phụ nghĩa, trách cho số kiếp bạc bẽo đến “ngẩn ngơ”. Và dẫu rằng cái đêm mưa gió hôm qua đã qua đi nhưng nỗi đau vẫn còn đó, vẫn giày vò cô với nỗi cô đơn thực tại của ngày hôm nay. Bằng việc sử dụng cụm từ trạng ngữ diễn tả quá khứ ngay sát gần hiện tại, tác giả đã đưa ra cách hiểu mang tính khái quát về hiện tại; không chỉ là ngày hôm nay hay một khoảnh khắc nào đó cụ thể trên dòng đời mà đó là một hiện tại mang tính ước lệ, hiện tại của thời gian nghệ thuật

     Bên cạnh đó, thời gian nghệ thuật trong ca dao còn được thể hiện qua những từ láy để nhấn mạnh quá trình diễn ra của sự việc hiện tại:

- Chiều chiều ra đứng bờ ao

 Nước kia không khát, khát khao duyên chàn

- Đêm đêm chớp bể mưa nguồn

 Hỏi người quân tử có buồn hay không

    Những cụm từ chỉ thời gian trong ca dao như đêm qua, hôm nay, ngày nào, chiều chiều, đêm đêm...chỉ mang tính chất ước lệ, không có giá trị cụ thể, bởi lẽ người ta có thể vận dụng nó linh hoạt tùy vào từng hoàn cảnh diễn xướng. Người diễn xướng có thể thay đổi lời hát tùy theo cảm hứng và ngữ cảnh: “Chiều chiều ra đứng bờ ao”, “hôm nay ra đứng bờ ao” hay “đêm đêm ra đứng bờ ao” mà giá trị ngữ nghĩa của câu hát vẫn không thay đổi

     Ngôn ngữ diễn tả không gian: Ngôn ngữ diễn tả không gian trong ca dao là ngôn ngữ miêu tả và bộc lộ cảm xúc qua môi trường không gian vật lý và không gian tâm lý. Không gian vật lý là những môi trường không gian cụ thể như gốc đa, bến nước, sân đình, đồng ruộng nơi gặp gỡ trò chuyện, sinh hoạt lao động của các nhân vật trữ tình:

- Em ôm bó mạ xuống đồng

 Miệng ca tay cấy mà lòng nhớ ai

 

 

- Cây đa cũ, bến đò xưa,

 Bộ hành có nghĩa, nắng mưa cũng chờ

     Đó là những khung cảnh bình dị, gần gũi với cuộc sống của người dân đất Việt, được khắc họa trong những câu ca dao mang mầu sắc trữ tình đậm nét. Dường như nó được thổi vào đó một tâm hồn, một tình cảm yêu thương tha thiết, giản dị và chân thành như chính cuộc sống con người lao động nơi đây

     Bên cạnh không gian vật lý là môi trường không gian xã hội. Không ít câu ca thể hiện mối quan hệ xã hội phức tạp và đa dạng giữa người với người bằng lối sử dụng ngôn ngữ bình dị đời thường mang tính khẩu ngữ:

Sáng trăng trải chiếu hai hàng

 Bên anh đọc sách, bên nàng quay tơ...

     Nhưng cũng có những lời ca thể hiện hình thức diễn tả thật tinh tế, dường như chức năng định danh của các từ bị xóa nhòa nhường chỗ cho sự cảm nhận về một không gian mênh mông của tâm hồn con người

- Đưa nhau giọt lệ không ngừng

 Ngó sông, sông rộng, ngó rừng, rừng cao

- Người về em những trông theo

 Trông nước nước chảy, trông bèo bèo trôi.

     Trong ca dao, đôi khi không gian là chất liệu nghệ thuật để tạo nên cấu tứ của lời thơ

Dưới mặt nước chói lòa yếm đỏ

Trên bầu trời rạng rỡ mây xanh

Từ ngày chia rẽ em anh

 Nước trời còn đó ai đành phụ nhau

     Những hình ảnh so sánh đất trời, sông nước đã tạo nguồn cảm hứng cho lời ca bằng một không gian mênh mông để rồi từ đó hòa với những tình cảm sâu lắng của lòng người, đằm thắm và quyến rũ như chính vẻ đẹp tự nhiên mà tạo hóa đã ban tặng cho sự sống con người

     Thời gian và không gian nghệ thuật là yếu tố quan trọng cho quá trình gợi hứng của lời thơ. Đó là những ngôn ngữ của lối diễn tả hình ảnh, mầu sắc sống động mang âm điệu của hình thức diễn xướng đậm đà chất dân gian

     Hình thức sử dụng đại từ nhân xưng

     Đại từ nhân xưng là hình thức ngôn ngữ thể hiện rõ phương thức diễn xướng qua lối kết hợp câu đối đáp trong ca dao dân ca, chủ yếu ở ngôi thứ nhất và thứ hai như: anh - em, chàng - thiếp, mình - ta, đó - đây, anh ba - em, chị hai - tôi, qua - bậu, tui - mình, bạn - ta, anh - cô nường.....

- Hỡi anh đi dường cái quan

 Dừng chân đứng lại em than vài lời

- Cô kia cắt cỏ bên sông

 Muốn sang anh ngả cành hồng cho sang

      Đó là những lời thơ thể hiện rõ dấu ấn của lối kết cấu đối đáp, trò chuyện mang đặc trưng bản chất thể loại của ca dao dân ca. Với lối trò chuyện, đối đáp trực tiếp, đại từ nhân xưng trong ca dao đã được sử dụng một cách hết sức linh hoạt và độc đáo. Và cách xưng hô trong ca dao là một trong những thủ pháp nghệ thuật quan trọng khẳng định phương thức diễn xướng của thể loại.

 

 

     Phương thức diễn xướng của thể loại ca dao dân ca với lối sử dụng đại từ nhân xưng là sự thể hiện của phong cách ngẫu hứng trong sinh hoạt diễn xướng dân ca. Đôi khi đó chỉ là những lời hát bâng quơ của những cặp nam nữ bất chợt gặp nhau trên đường hay là những câu ca đối đáp của gái trai trong quá trình lao động, cũng có khi nó là những cuộc hát có tổ chức vào những dịp lễ hội nhất định. Song dù dưới hình thức nào thì hành động diễn xướng ở đây không nhất thiết phải là “đối giọng” mà còn được thể hiện qua “đối lời” vì vậy cách xưng hô trong ca dao đóng vai trò quan trọng nhằm diễn tả mọi sắc thái biểu cảm nội dung ngôn ngữ đối thoại của nhân vật.

     Tính phiếm chỉ, xu hướng không cá thể hóa nhân vật là đặc điểm của thơ ca dân gian Việt Nam mà lối sử dụng đại từ nhân xưng là một trong những thủ pháp nghệ thuật nổi bật làm tăng thêm giá trị diễn xướng của lời ca.

     Có thể nói, ngôn ngữ ca dao với đặc trưng tính chất của thể loại thơ ca dân gian, mang âm sắc của giai điệu lời nói tiếng Việt với hình thức kết cấu đối đáp, ngôn ngữ diễn tả thời gian, không gian nghệ thuật mang tính gợi hứng và lối sử dụng đại từ nhân xưng đầy biểu cảm là những yếu tố cơ bản tạo giá trị thẩm mỹ cho những lời hát dân ca mang mầu sắc của sinh hoạt diễn xướng dân gian. Là cơ sở (phần lời) của những lời hát dân ca, ca dao trong sự liên kết với mầu sắc của âm thanh, động tác điệu múa được diễn ra trong môi trường sinh hoạt cụ thể mang tính đặc trưng vùng miền của sinh hoạt diễn xướng dân gian đã thực sự bay cao hơn, xa hơn đạt đến giá trị hiện thực thẩm mỹ trọn vẹn hơn.

______________

1. Kho tàng ca dao người Việt, Nxb Văn hóa Thông tin, 1995.

 2, 3, 5. Tú Ngọc, Dân ca người Việt, Nxb Âm nhạc, 1994, tr.284, 218, 189-190.

 4. Hà Minh Đức, Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1974, tr.326.

 6. John R.Searle, trích theo Performance: a critical introduction, Marvin Carlson, Nxb Great Britain, 1992, tr.61.

 7. D.X.Likhatrốp, trích theo Thi pháp ca dao, tr.165.

 .← Ca dao vần G