Thứ Ba, 17 tháng 3, 2015

Tìm theo thuật ngữ: sân khấu nghệ thuật Việt Nam.
Toán tử: and.

> Kỳ 1: Cải lương bắt nguồn từ nghệ thuật đờn ca tài tử
Rõ ràng sự ra đời của sân khấu cải lương là quá trình lắng đọng, kết tinh có chọn lọc nhiều yếu tố bên trong, bên ngoài để hình thành một hình thức sân khấu bản địa Nam bộ, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của đông đảo công chúng về một cái đẹp tổng hợp của sân khấu ca kịch, đặc biệt là hình thức thẩm mỹ âm nhạc, ca hát, múa… làm phong phú thêm nền văn hóa, nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Sự hội tụ những tinh hoa văn hóa, nghệ thuật đương đại vào sân khấu cải lương giúp loại hình nghệ thuật non trẻ này vừa ra đời đã nhanh chóng phát triển tới mọi miền đất nước, chiếm giữ vị trí thượng phong trong nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, nghệ sĩ lão thành, cải lương Nam bộ có mặt đầu tiên trên đất Bắc là gánh của ông bầu Nguyễn Văn Súng (Sáu Súng) vào khoảng đầu năm 1920. Không chỉ chinh phục khán giả thủ đô, ông bầu Nguyễn Văn Súng còn đưa đoàn hát của mình lưu diễn nhiều tỉnh, thành phía Bắc. Sau chuyến lưu diễn thành công của gánh Sáu Súng, hàng loạt gánh hát cải lương Nam bộ cũng lên đường ra Bắc. Những vở diễn đỉnh cao của sân khấu phương Nam qua sự hóa thân của các ngôi sao nổi tiếng đương thời đã làm nức lòng những người yêu cải lương miền Bắc. Đây cũng là thời kỳ các nghệ sĩ tiền bối miền Bắc nhanh chóng tiếp thu loại hình nghệ thuật độc đáo của phương Nam để xây dựng những đơn vị cải lương cho mình. Nhiều gánh hát được thành lập.

Các nghệ sĩ nhận HCV giải Thanh Tâm năm 1958: Từ trái qua: Thanh Nga, Ngọc Giàu,Lan Chi, Bích Sơn. Ảnh: THANH TUYÊN
Tiêu biểu trong số này phải kể đến những gánh hát của bà bầu Trần Thị Sình (thân mẫu NSND Ái Liên - bàngoại Nhà giáo Nhân dân Hà Quang Văn - Nguyên hiệu trưởng trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM). Từ năm 1935-1950, bà bầu Trần Thị Sình đã liên tiếp lập ra nhiều gánh hát như Liên Hiệp, Hiệp Thành với thành phần đào kép chủ yếu là người miền Bắc. Qua khả năng diễn xuất tài hoa và chất giọng ngọt ngào của những ngôi sao cải lương đất Bắc như Ái Liên, Sĩ Tiến, Đào Mộng Long… những vở diễn của đoàn như “Huyền Trân công chúa”, “Khuất Nguyên”… không chỉ làm nức lòng khán giả thủ đô mà còn chinh phục trọn vẹn tình cảm khán giả khắp Bắc - Trung - Nam. Bằng tài năng và tình yêu sâu nặng với cải lương, những thế hệ soạn giả, diễn viên, đạo diễn miền Bắc đã làm nên hàng loạt những vở diễn đỉnh cao, như “Phạm Tải - Ngọc Hoa”, “Trưng Vương” của đoàn Kim Phụng; “Lã Bố và Điêu Thuyền”, “Chuyện cũ Cổ Loa” của đoàn Chuông Vàng; “Lam Sơn tụ nghĩa”, “Hồi xuân dược”... Nhiều vở diễn đã đi vào lịch sử như những tác phẩm kinh điển của nghệ thuật sân khấu Việt Nam, để lại dấu ấn trong lòng công chúng như những di sản truyền nghề cho đến tận hôm nay.

Các nghệ sĩ nhận HCV giải Thanh Tâm năm 1958: Từ trái qua: Thanh Nga, Ngọc Giàu, Lan Chi, Bích Sơn. Ảnh: THANH TUYÊN
Trở lại miền Nam, cái nôi của nghệ thuật cải lương, để có được những thời kỳ thăng hoa rực rỡ, loại hình nghệ thuật này cũng từng đối diện với muôn vàn thử thách, khó khăn. Để vượt qua những giai đoạn khủng hoảng đó, cải lương đã liên tục làm mới mình. Chẳng hạn, vào những năm đầu 1930, khi Đông Dương bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi khủng hoảng kinh tế, hàng loạt những gánh đại ban như Trần Đắc, Huỳnh Kỳ, Đồng Thinh… đều rã gánh. Đời sống người dân lâm vào cảnh lao đao. Những vở tâm lý xã hội phản ánh nỗi bất hạnh của người dân dưới cảnh một cổ hai tròng trong sự hà khắc của lễ giáo phong kiến, như “Tô Ánh Nguyệt”, “Đời cô Lựu”… đã được đông đảo khán giả ái mộ. Khi giai đoạn khủng hoảng kinh tế qua đi, cuộc cách mạng tháng 8 thành công, cải lương thêm một lần nữa biến chuyển để thích nghi với hoàn cảnh. Hàng loạt trường phái cải lương mới ra đời. Tiêu biểu trong số này là phong trào cải lương “Thật và Đẹp” do NSND Năm Châu khởi xướng. Với chủ trương nghệ thuật cải lương phải “Thật và Đẹp”, nhiều gánh đã hạn chế dàn dựng những tuồng tích cổ, dùng nhiều chữ Nho mà chuyển sang những đề tài gần gũi cuộc sống của khán giả, đòi hỏi nhiều khả năng diễn xuất nội tâm nhân vật. Điều này đã góp phần thúc đẩy cải lương tâm lý xã hội hồi sinh và phát triển lên một tầm cao mới.

Đặc biệt, sau Hiệp định Geneve 1954, hàng loạt soạn giả nổi tiếng như Trần Hữu Trang, Mai Quân, Hà Triều, Hoa Phượng… từ chiến khu trở về đã đem lại luồng sinh khí mới cho sân khấu, tiếp tục làm nên thời kỳ hoàng kim cho loại hình nghệ thuật này. Đây là thời kỳ “trăm hoa đua nở” trên sân khấu cải lương. Hàng loạt những gánh hát đại ban, trung ban đến tiểu ban được thành lập biểu diễn khắp nơi. Mỗi đoàn hát lại có phong cách riêng đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khán giả. Đoàn Kim Chung của ông bầu Long chuyên về tuồng hương xa, kiếm hiệp mang màu sắc diễm tình; đoàn Dạ Lý Hương của ông bầu Xuân thiên về tuồng hiện đại sát với hiện thực xã hội đương thời; đoàn Thanh Minh của bà bầu Thơ mạnh về loại tuồng tâm lý xã hội sâu sắc, sang trọng dành cho khán giả trí thức; đoàn Minh Tơ, Huỳnh Long chuyên hát cải lương hồ quảng, tuồng cổ… Chính phong cách riêng đã tạo nên sự đa dạng và sức hút cho sân khấu cải lương thời hoàng kim với hàng loạt những vở diễn, những ngôi sao lẫy lừng như Thanh Nga, Ngọc Giàu, Phượng Liên, Diệu Hiền, Thanh Nguyệt, Hồng Nga, Lệ Thủy, Mỹ Châu, Diệp Lang, Phương Quang, Thanh Sang, Minh Phụng, Minh Vương, Thanh Kim Huệ…
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhiều sự kiện xã hội tác động đã góp phần đưa loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc nhanh chóng thoát khỏi cơn khủng hoảng gay gắt bởi sự lấn áp của phim ảnh nước ngoài và các đại nhạc hội kéo dài dưới chế độ ngụy quyền Sài Gòn từ những năm đầu thập niên 1970 để bước lên một thời kỳ đỉnh cao mới - thời kỳ rực rỡ nhất trong lịch sửhình thành và phát triển của loại hình nghệ thuật độc đáo này. Với chủ chương đẩy mạnh cuộc cách mạng tư tưởng văn hóa, trong bộn bề khó khăn của những năm đầu giải phóng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tùy theo tình hình thực tế của địa phương, ngành văn hóa thông tin các tỉnh, thành có thể tổ chức, thành lập các đoàn cải lương theo mô hình quốc doanh hoặc tập thể, đáp ứng kịp thời nguyện vọng của đông đảo người hâm mộ. Trung bình, trong suốt thời kỳ vàng son kéo dài từ 1975 đến 1990, mỗi địa phương có từ 1 đến 3 đoàn cải lương, thậm chí, nhiều địa phương như TP.HCM có trên dưới 10 đoàn. Ngoài thế hệ nghệ sĩ hùng hậu là những ngôi sao tỏa sáng lẫy lừng từ những năm trước giải phóng, sân khấu cải lương còn có sự tham gia đông đảo của những tác giả, nhạc sĩ, đạo diễn, diễn viên trẻ, tài năng được đào tạo bài bản trong và ngoài nước. Bên cạnh những kịch bản tiến bộ cũ được chỉnh sửa lại như “Đời cô Lựu”, “Con cò trắng”, “Tấm lòng của biển”… sân khấu cải lương đã tích cực góp phần xây dựng đất nước qua hàng loạt những kịch bản mới có chất lượng nghệ thuật cao, phản ánh kịp thời những vấn đề của xã hội, như “Tìm lại cuộc đời”, “Ánh lửa giữa rừng khuya”, “Lửa phi trường”, “Đôi bông tai”, “Khách sạn hào hoa”, “Cây sầu riêng trổ bông”… được người xem nồng nhiệt đón nhận. Từ Bắc vào Nam, nhiều vở diễn hàng trăm xuất vẫn không đáp ứng hết nhu cầu ngày càng tăng cao của khán giả. Rạp không còn sức chứa, các đoàn phải bung ra diễn tại sân vận động.
Rõ ràng, dưới sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cùng sự chung lòng, chung sức của nhiều thế hệ nghệ sĩ, đã làm nên một thời hưng thịnh nhất của cải lương Nam bộ trong lịch sử phát triển của loại hình nghệ thuật độc đáo này. Cho đến tận hôm nay, chắc hẳn nhiều thế hệ nghệ sĩ và khán giả vẫn còn mãi tôn vinh về những thành tựu rực rỡ đã q

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét