Thứ Ba, 17 tháng 3, 2015

Thơ ca lục bát việt nam.



Tìm theo thuật ngữ: Thơ ca lục bát việt nam.

Toán Tử: and.

Không tác động trực tiếp vào cảm giác như nghệ thuật tạo hình và nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật ngữ văn dân gian tác động tới con người bằng những ký hiệu ngôn ngữ. Là một loại hình của nghệ thuật ngữ văn dân gian, ca dao, thông qua những tín hiệu ngôn ngữ, đã thể hiện phong phú và linh hoạt những hình tượng thẩm mỹ văn học, phản ánh mọi mặt của cuộc sống sinh hoạt, những suy tư và diễn biến tình cảm của con người.

 

      Được sản sinh ra từ trong môi trường diễn xướng, qua những buổi lao động sinh hoạt văn hóa cộng đồng trên đồng ruộng, bãi lúa, ven sông, những buổi hội làng... tính ngẫu hứng đầy thẩm mỹ của ca dao thực sự chỉ được thể hiện trọn vẹn khi được đưa vào môi trường sinh hoạt diễn xướng dân ca. Nếu sinh hoạt diễn xướng dân ca đã thực sự mang lại cho lời ca dao một dáng vẻ mới, sinh động, phong phú hơn, giá trị diễn tả nội dung đạt đến độ nghệ thuật cao hơn thì ngôn ngữ ca dao trong sinh hoạt diễn xướng dân ca với sự cộng hưởng của các yếu tố nghệ thuật dân gian luôn toả sáng, làm cơ sở trực tiếp cho những giai điệu dân ca đậm đà hương đồng gió nội

     1. Ngôn ngữ ca dao là ngôn ngữ của thể loại thơ ca dân gian

     Thơ ca dân gian là một thể loại nghệ thuật ngôn từ mang tính đặc trưng riêng biệt. Ngôn ngữ thơ ca dân gian có nguồn gốc dân dã, thể hiện bản chất bình dị, chất phác, hồn nhiên của người nông dân lao động. Đó cũng chính là đặc tính cơ bản của loại hình ngôn ngữ trong ca dao.

     Là những tác phẩm thơ ca dân gian, ca dao được sáng tác dưới nhiều hình thức thơ khác nhau: song thất, song thất lục bát, bốn chữ, hỗn hợp, tuy nhiên được vận dụng phổ biến hơn cả là thể lục bát. Qua Kho tàng ca dao người Việt (1) ta thấy: trong tổng số 11825 đơn vị, có 10305 đơn vị được sáng tác theo thể lục bát, lục bát biến thể chiếm 87% số lượng tác phẩm. Điều này thật dễ hiểu vì thơ lục bát là “những lời nói vần” gần gũi với lời ăn tiếng nói của nhân dân, dễ nhớ, dễ thuộc. Vì vậy, khi nghiên cứu ngôn ngữ trong ca dao, ta không thể tách nó khỏi thể loại thơ ca dân gian, đặc biệt là thể thơ lục bát trong ca dao.

     Thể lục bát truyền thống trong ca dao bộc lộ trực tiếp những tâm tình nảy sinh từ thực tiễn cuộc sống; thể hiện từ những bức tranh lao động đến những suy nghĩ về cuộc đời, từ khoảnh khắc hồn nhiên vô tư của con người đến những diễn biến tình cảm trữ tình phong phú... Vì vậy ngôn ngữ ca dao vừa hàm chứa những giá trị suy tư, suy lý như Bao giờ cho đến tháng ba, Con vua thì lại làm vua, Dã Tràng xe cát biển đông... vừa giàu chất tự sự trong Thằng Bờm, Hôm qua em đi hái dâu, Cái cò cái vạc cái nông... Hơn thế, ngôn ngữ ca dao còn mang phong cách trữ tình dân gian bay bổng lãng mạn với Đêm trăng thanh, Trèo lên cây bưởi hái hoa... Ngôn ngữ mộc mạc giản dị khiến những lời thơ trong ca dao dường như trở nên lung linh, đằm thắm hơn thể hiện đậm nét những giá trị nghệ thuật truyền thống.

     Các tác phẩm ca dao theo thể lục bát được vận dụng linh hoạt và nhiều vẻ nhất trong dân ca, trong những giai điệu ngâm ngợi, ca xướng uyển chuyển. Sở dĩ như vậy là do kết cấu đặc trưng riêng biệt về âm luật của thể loại thơ này. Dưới góc độ thi pháp, có thể thấy lục bát mang đầy đủ dáng dấp của một thể thơ cách luật với những yếu tố đặc thù về tổ chức âm thanh: gieo vần, ngắt nhịp, phối điệu trong hình thức tối thiểu là một cặp lục bát gồm 2 câu với số tiếng cố định: 6 tiếng (câu lục) và 8 tiếng (câu bát). Vì vậy, mọi nguyên tắc tổ chức ngôn từ thơ ca của thể lục bát được tạo dựng theo một thể thức nhất định, lặp đi lặp lại trong tác phẩm, tuân thủ nghiêm ngặt cơ cấu tổ chức âm luật về phương thức gieo vần, ngắt nhịp, phối điệu, cơ sở quan trọng để tạo dựng lên những lời dân ca giàu chất dân gian. Phương thức gieo vần 6-8 là thao tác đặc biệt tạo nên vẻ nhịp nhàng trong ngôn ngữ thơ, là phương tiện tổ chức văn bản và là chỗ dựa cho sự phát triển nhạc tính để hình thành nên những âm hưởng nhiều mầu sắc vang vọng trong thơ. Lối ngắt nhịp chẵn (chủ yếu là nhịp hai) có một ý nghĩa quan trọng tạo nên sự phân bố và lặp đi lặp lại ngắt quãng các đơn vị ngôn từ, tạo điều kiện cho sự chuẩn hóa về mặt thẩm mỹ trong lời thơ. Còn phối điệu mang lại âm điệu trầm bổng trong thơ bằng sự sắp xếp phối hợp các thanh điệu bằng trắc theo nguyên tắc nhất định thể hiện tính cân đối hài hòa về âm thanh giữa các nhịp và các vế tương đương:

Cách sông/ em chẳng/ sang đâu

 Anh về/ mua chỉ/ bắc cầu/ em sang

 Chỉ xanh/ chỉ đỏ/ chỉ vàng

 Một trăm/ thứ chỉ/ bắc ngang/ sông này.

     Phương thức ngắt nhịp hai ở thể lục bát cũng là loại nhịp được vận dụng phổ biến và bao trùm trong dân ca. “Nhịp hai rất thích nghi với nhiều sinh hoạt lao động, sinh hoạt nghi lễ và các sinh hoạt khác trong đời sống xã hội. Sự luân phiên và đối tỷ giữa một phách mạnh và một phách nhẹ trong một đơn vị nhịp cũng vốn là đặc tính của nhiều dạng nhịp điệu lao động (chèo thuyền, nện đất, kéo gỗ..)nhịp trống mõ trong nghi lễ (đám rước, đám tang), trong nhảy múa và ca hát”(2). Có thể bắt gặp nhịp phách hai trong Hò đò dọc:

Thuyền anh/ ở bến/ mới ra

 Thuyền em/ thì ở/ xa xa/ mới về.

Hay trong Hát Dậm :

Tháng giêng/ đi hát/ đại trà/

 Lệnh làng/ phép nước/ đủ ba/ mươi ngày...

     Sự phân chia đều đặn của nhịp câu thơ là cơ sở trực tiếp cho nhịp điệu âm nhạc để rồi từ đó hình thành nên những giai điệu thích ứng với từng thể loại. “Trong tất cả những yếu tố khách quan tác động đến nhịp điệu âm nhạc trong dân ca thì yếu tố của nhịp điệu thơ là quán xuyến và trực tiếp hơn cả” và là “một cái khung đồ thị làm chỗ dựa cho nhịp điệu âm nhạc”(3). Vì lẽ đó, nhịp điệu thơ trong ca dao có một vai trò quan trọng đối với nhịp điệu âm nhạc trong dân ca. Đó là nhịp điệu của những ngôn từ mang sắc thái bình dị, dân dã dưới những thể thơ lục bát, song thất lục bát, song thất và hỗn hợp... Hình thức nghệ thuật và giá trị biểu hiện của mỗi thể thơ khác nhau nên tác động của chúng đối với giai điệu và hình thức diễn xướng dân ca cũng khác nhau.

     Thể 6-8 thường được vận dụng trong những bài ca có nội dung trữ tình hoặc giao duyên. Thể song thất lục bát (hai câu 7 chữ và một câu 6-8) thường dùng trong những bài hát có âm điệu “nói lối” và ca xướng do sắc thái giãi bày nội tâm của nhịp điệu thơ. Thể hỗn hợp 4, 5 chữ, kết hợp với thể lục bát và song thất lục bát được sử dụng nhiều trong những loại hát nghi lễ phong tục, những bài hát sinh hoạt, những bài hát giao duyên. Thể song thất không phải là hiện tượng phổ biến ở các tác phẩm ca dao dân ca. Những câu thơ 7 chữ này thường được gieo vần lưng:

 

Gió mùa thu mẹ ru con ngủ

Năm canh chầy thức đủ năm canh

     Sự biểu hiện cũng như nhạc điệu của lời ca phụ thuộc vào sự kết hợp của các từ, các dấu giọng trong ngôn ngữ thơ; nghĩa là, đặc điểm ngôn ngữ có vai trò quan trọng trong việc tạo dựng những lời thơ để rồi mang lại âm hưởng đặc trưng cho những lời dân ca.

     2. Ngôn ngữ ca dao là ngôn ngữ mang đặc trưng của tiếng Việt

     Tùy theo đặc điểm cấu tạo của ngôn ngữ từng dân tộc mà hệ thống nhịp điệu trong thơ, sắc thái tu từ, cách vận dụng ngôn ngữ mang những nét khác nhau. Tiếng Việt là loại hình ngôn ngữ đơn lập - âm tiết tính (ngôn ngữ không biến hình, mỗi tiếng đều mang một thanh điệu và hầu như đều có nghĩa) trong đó mỗi đơn vị âm tiết cơ bản đều là đơn vị của từ. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc hạn định số từ trong nội bộ dòng thơ. Trong cơ cấu âm luật của các thể thơ của ca dao mà đặc biệt là thể lục bát, các tiếng (âm tiết) là chất liệu tạo dựng để từ đó mọi yếu tố âm luật trong thơ được hình thành với lối gieo vần, ngắt nhịp, phối điệu mang mầu sắc đặc trưng của thể thơ. Nghĩa là nếu âm tiết là đơn vị hiệp vần thì các yếu tố âm điệu (bằng và trắc) trong một âm tiết là nhân tố thể hiện hình thức phối điệu của âm luật thể thơ; còn sự phối hợp chuyển động các nhịp theo số lượng các âm tiết là nhằm tạo cho lời ca dao có được vẻ đẹp hài hòa trên dưới giữa các dòng thơ. Có thể nói, thành phần cấu tạo của âm luật thi ca nói chung và ca dao nói riêng là sự thể hiện của hình thức cấu trúc ngôn ngữ với sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố âm tiết và thanh điệu tiếng Việt, trong đó âm tiết đóng vai trò là đơn vị tối thiểu đo độ dài của nhịp và của dòng, là thành phần tạo sắc thái vần điệu của thể thơ; còn thanh điệu được biểu hiện với chức năng tạo dựng thế đối lập trầm bổng trong dòng thơ. Rõ ràng, với ngôn ngữ đặc trưng, tiếng Việt đã tạo sắc thái riêng trong hình thức thể hiện của âm điệu thơ ca Việt Nam. Những ngôn ngữ biến hình của các nước châu Âu, như vần thơ Nga là một ví dụ (đơn vị tham gia hiệp vần là một từ hoặc lớn hơn một từ, có nghĩa là yếu tố hiệp vần trong thơ có thể là một âm tiết nhưng cũng có thể là nhiều âm tiết) thì không thể có điều kiện để sản sinh ra những thể thơ truyền thống như lục bát và song thất lục bát. Và mặc dù, ở mức độ tương đối, thơ Việt Nam có phần gần gũi với câu thơ cổ Trung Quốc do sự giống nhau về tiếng nói đơn âm tiết, về quy luật bằng trắc, về thanh điệu, song chính nhờ những mầu sắc đặc trưng của ngôn ngữ tiếng Việt với hệ thống nhịp điệu, sắc thái tu từ... mà thơ ca Việt Nam vẫn luôn mang một phong cách riêng đậm đà bản sắc dân tộc. Nhà thơ Chế Lan Viên đã từng nhận xét về ngôn ngữ tiếng Việt đó là “một thứ tiếng đơn âm nhưng đa thanh, làm cho câu thơ vừa ngắn gọn, vừa có tính chất âm nhạc” (4)

     Có thể nói, ngôn ngữ đa thanh giàu nhạc tính của tiếng Việt là cơ sở nhạc điệu của thơ ca, mà trong dân ca, ta thấy rõ nhất qua những bài hát mang phong cách nói hay ngâm. Và “sự hình thành các kiểu giai điệu này gắn rất chặt với cơ sở ngữ âm tiếng Việt và các hình thức thơ ca... Càng lùi lại khởi điểm phát triển của giai điệu dân ca thì mối quan hệ giữa nó với ngữ âm và các hình thức thơ ca càng rõ nét và gắn bó”(5)

     3. Ngôn ngữ diễn xướng trong ca dao

     Nghiên cứu khía cạnh diễn xướng của ngôn ngữ “không phải là sự tập hợp, thậm chí không phải là tìm hiểu những dấu hiệu biểu lộ của hình thức giao tiếp ngôn ngữ đơn thuần như là biểu tượng, từ, câu mà hơn thế đó là sự trình bày, sự phát ra của những biểu tượng, từ, câu qua hình thức biểu diễn của hành động, lời nói”(6). Như vậy tìm hiểu khía cạnh diễn xướng của ngôn ngữ tức là tìm hiểu ngôn ngữ của hành động, ngôn ngữ của hình thức biểu diễn, ngôn ngữ bộc lộ cảm xúc, ngôn ngữ miêu tả... Ngôn ngữ diễn xướng trong ca dao được thể hiện qua một số hình thức sử dụng ngôn ngữ cơ bản của một số thủ pháp nghệ thuật trong ca dao

     Hình thức sử dụng ngôn ngữ đối thoại và độc thoạ

     Độc thoại là hình thức kết cấu đơn giản nhất trong thơ ca trữ tình dân gian nhằm biểu đạt một cách trực tiếp, giản dị, tự nhiên những ý nghĩ tâm tư tình cảm của các nhân vật trữ tình. Ở dạng này, nội dung của lời ca hướng vào một ý lớn với ngôn ngữ mang tính tự sự. Hình thức này thường được sử dụng trong sinh hoạt dân ca nghi lễ phong tục và dân ca lao động. Đó là những câu hát với những lời lẽ trang trọng kể về sự tích, ca ngợi công đức các anh hùng trong dân ca nghi lễ:

Bề trên hiển thánh đời Trần

 Một đình một miếu bốn dân phụng thờ

Anh linh bảo hộ từ xưa

 Dân khang vật thịnh đội nhờ thánh công...

(Hát chèo tàu- Hà Tây)

     Diễn tả tâm tình của người con gái trong khi dệt vải:

Em ngồi kéo vải quay tơ

 Để anh đọc sách ngâm thơ kẻo buồn

 Em ngồi kéo vải bán buôn

Để bán cái buồn dệt vải cho anh

(Múa đèn - Thanh Hóa)

     Hình thức ngôn ngữ ca dao mang tính chất đối thoại được sử dụng rộng rãi trong lối hát đối đáp dân ca. Đó là những bài ca mang hình thức đối thoại giữa hai nhân vật trữ tình, diễn tả mọi mặt sinh động của cuộc sống

- Em đố anh dầu chi là dầu không thắp?

 Bắp chi là bắp không rang?

 Than chi là than không quạt

 Bạc chi là bạc không mu

- Nắng dãi mưa dầu là dầu không thắp

 Bắp mồm bắp miệng là bắp không rang

 Than hỡi than hời là than không quạt

 Bạc tình bạc ngãi không đổi không mua

     Bằng hình thức sử dụng ngôn ngữ mang tính ẩn dụ, tác giả dân gian đã diễn tả lối đối đáp khôn ngoan, mang hàm ý sâu sắc, tạo cho người nghe những liên tưởng phong phú và ý nghĩa khái quát cao.

     Ngôn ngữ đối thoại cũng thật gần gũi với sinh hoạt của cuộc sống đời thường. Đó chỉ là hình ảnh con trâu, cái cày, những người bạn của nhà nông, nhưng khi bước vào ca dao, nó đã trở thành những hình tượng nghệ thuật mang tính chất so sánh

Của chua ai thấy chẳng thèm

 Em cho chị mượn chồng em mấy ngày

- Chồng em nào phải trâu cày

 Mà cho chị mượn cả ngày lẫn đêm

     Đặc biệt hình thức đối thoại trong ca dao là cơ sở cho những bài hát đối đáp giao duyên, một hình thức phổ biến trong sinh hoạt diễn xướng dân ca ba miền mà nhân vật chính là hai bên nam nữ. Phần lớn nội dung đều mang tính trữ tình, diễn tả tâm trạng của tình yêu lứa đôi:

Mình về có nhớ ta chăng

 Ta như lạt buộc khăng khăng nhớ mình

 Ta về ta cũng nhớ mình

 Nhớ yếm mình mặc, nhớ tình mình trao

     Đó là những lời ca sử dụng hình thức ngôn ngữ với lối kết cấu hai vế tương hợp; có nghĩa là lời của vế trên có thể được tách ra độc lập với lời của vế dưới vì nó đã diễn tả một ý trọn vẹn. Do vậy người hát có thể vận dụng linh hoạt các vế đối của câu thơ tùy theo hoàn cảnh diễn xướng.

     Bên cạnh đó, lối kết cấu hai vế đối lập trong lời ca dao cũng đã tạo nên vẻ sinh động của những câu hát giao duyên trong dân ca:

- Anh đến tìm hoa thì hoa đã nở

Anh đến tìm đò thì đò đã sang sông

 Anh đến tìm em thì em đã lấy chồng

 Em yêu anh như rứa có mặn nồng chi mô?

- Hoa đến kỳ thì hoa phải nở

 Đò đã đầy thì đò phải sang sông

Đến duyên thì em phải lấy chồng

 Em yêu anh như rứa đó còn mặn nồng thì tùy anh.

     Lời hát đối đáp thể hiện hai ý đối lập nhau về một tình yêu đã qua, chỉ còn lại lời trách móc của người con trai trước sự bội bạc của người yêu xưa đã đi lấy chồng. Nhưng người con gái đã tiếp lời chàng trai để phủ nhận sự cáo buộc vô lý của chàng; bởi lẽ thời gian không chờ đợi ai, nàng buộc phải “sang sông” như lẽ thường của quy luật cuộc sống. Trái ngược với sự tiếc nuối của chàng trai, cô gái khẳng định tình cảm của mình một cách rõ ràng.

     Có thể nói, trong ca dao, dấu ấn đối thoại thể hiện không chỉ ở những bài ca được kết cấu 2 vế đối đáp mà ngay cả ở những bài ca mang tính độc thoại vẫn là sự thể hiện của lối trò truyện giãi bày trực tiếp được sử dụng linh hoạt trong các cuộc hát lẻ và hát cuộc của sinh hoạt dân ca

     Ngôn ngữ thời gian và không gian

     Ngôn ngữ diễn tả thời gian: Thời gian được diễn tả trong ca dao là thời gian nghệ thuật. Mỗi thể loại văn học đều mang nét đặc thù riêng về thời gian nghệ thuật. Nếu như trong sử thi là thời gian “khuyết sử”- thời gian của lịch sử được thêu dệt mang tính khái quát hàng nghìn năm, đậm chất thần thoại, thì thời gian trong cổ tích là thời gian của quá khứ không xác định mang tính hoang đường gắn với một chuỗi liên tục của các sự kiện từ “ngày xửa ngày xưa” , còn thời gian nghệ thuật trong ca dao là thời gian hiện tại có nghĩa là “thời gian của tác giả và thời gian của “người đọc” (người thưởng thức) hòa lẫn với thời gian của người diễn xướng”(7).

     Thời gian hiện tại trong ca dao được biểu hiện bằng những cụm từ chỉ hiện tại như: “bây giờ” “hôm nay”:

- Bây giờ anh bắt tay nàng

 Hỏi sao lá ngọc cành vàng xa nhau

- Hôm nay mười bốn mai rằm

 Chín tháng cũng đợi, mười năm cũng chờ.

     Tuy vậy “bây giờ” hay “hôm qua” chỉ là những cụm từ mang tính chất phiếm chỉ, diễn tả một quãng thời gian của hiện tại, của sự gặp gỡ và chia ly, của những mối tình sống mãi với thời gian... Như vậy, thời gian hiện tại trong ca dao chủ yếu mang tính ước lệ, nhằm diễn tả tâm lý và những diễn biến tình cảm nội tâm của nhân vật.

     Và ngay cả khi sử dụng những cụm từ chỉ quá khứ như: “hôm qua”, “đêm qua”, “khi xưa” thì thời gian trong ca dao vẫn diễn tả sự việc mang ý nghĩa hiện tại:

Đêm qua dồn dập mưa mau

 Gió rung cành ngọc cho đau lá vàng

 Trách chàng phụ ngãi tham vàng

 Ngô đồng nỡ để phượng hoàng ngẩn ngơ

Biết nhau từ bấy đến giờ

 Đã cho bướm đậu thì chừa sâu ra

     Đó là tiếng lòng ai óan của người phụ nữ bị phụ bạc. Cô trách người phụ nghĩa, trách cho số kiếp bạc bẽo đến “ngẩn ngơ”. Và dẫu rằng cái đêm mưa gió hôm qua đã qua đi nhưng nỗi đau vẫn còn đó, vẫn giày vò cô với nỗi cô đơn thực tại của ngày hôm nay. Bằng việc sử dụng cụm từ trạng ngữ diễn tả quá khứ ngay sát gần hiện tại, tác giả đã đưa ra cách hiểu mang tính khái quát về hiện tại; không chỉ là ngày hôm nay hay một khoảnh khắc nào đó cụ thể trên dòng đời mà đó là một hiện tại mang tính ước lệ, hiện tại của thời gian nghệ thuật

     Bên cạnh đó, thời gian nghệ thuật trong ca dao còn được thể hiện qua những từ láy để nhấn mạnh quá trình diễn ra của sự việc hiện tại:

- Chiều chiều ra đứng bờ ao

 Nước kia không khát, khát khao duyên chàn

- Đêm đêm chớp bể mưa nguồn

 Hỏi người quân tử có buồn hay không

    Những cụm từ chỉ thời gian trong ca dao như đêm qua, hôm nay, ngày nào, chiều chiều, đêm đêm...chỉ mang tính chất ước lệ, không có giá trị cụ thể, bởi lẽ người ta có thể vận dụng nó linh hoạt tùy vào từng hoàn cảnh diễn xướng. Người diễn xướng có thể thay đổi lời hát tùy theo cảm hứng và ngữ cảnh: “Chiều chiều ra đứng bờ ao”, “hôm nay ra đứng bờ ao” hay “đêm đêm ra đứng bờ ao” mà giá trị ngữ nghĩa của câu hát vẫn không thay đổi

     Ngôn ngữ diễn tả không gian: Ngôn ngữ diễn tả không gian trong ca dao là ngôn ngữ miêu tả và bộc lộ cảm xúc qua môi trường không gian vật lý và không gian tâm lý. Không gian vật lý là những môi trường không gian cụ thể như gốc đa, bến nước, sân đình, đồng ruộng nơi gặp gỡ trò chuyện, sinh hoạt lao động của các nhân vật trữ tình:

- Em ôm bó mạ xuống đồng

 Miệng ca tay cấy mà lòng nhớ ai

 

 

- Cây đa cũ, bến đò xưa,

 Bộ hành có nghĩa, nắng mưa cũng chờ

     Đó là những khung cảnh bình dị, gần gũi với cuộc sống của người dân đất Việt, được khắc họa trong những câu ca dao mang mầu sắc trữ tình đậm nét. Dường như nó được thổi vào đó một tâm hồn, một tình cảm yêu thương tha thiết, giản dị và chân thành như chính cuộc sống con người lao động nơi đây

     Bên cạnh không gian vật lý là môi trường không gian xã hội. Không ít câu ca thể hiện mối quan hệ xã hội phức tạp và đa dạng giữa người với người bằng lối sử dụng ngôn ngữ bình dị đời thường mang tính khẩu ngữ:

Sáng trăng trải chiếu hai hàng

 Bên anh đọc sách, bên nàng quay tơ...

     Nhưng cũng có những lời ca thể hiện hình thức diễn tả thật tinh tế, dường như chức năng định danh của các từ bị xóa nhòa nhường chỗ cho sự cảm nhận về một không gian mênh mông của tâm hồn con người

- Đưa nhau giọt lệ không ngừng

 Ngó sông, sông rộng, ngó rừng, rừng cao

- Người về em những trông theo

 Trông nước nước chảy, trông bèo bèo trôi.

     Trong ca dao, đôi khi không gian là chất liệu nghệ thuật để tạo nên cấu tứ của lời thơ

Dưới mặt nước chói lòa yếm đỏ

Trên bầu trời rạng rỡ mây xanh

Từ ngày chia rẽ em anh

 Nước trời còn đó ai đành phụ nhau

     Những hình ảnh so sánh đất trời, sông nước đã tạo nguồn cảm hứng cho lời ca bằng một không gian mênh mông để rồi từ đó hòa với những tình cảm sâu lắng của lòng người, đằm thắm và quyến rũ như chính vẻ đẹp tự nhiên mà tạo hóa đã ban tặng cho sự sống con người

     Thời gian và không gian nghệ thuật là yếu tố quan trọng cho quá trình gợi hứng của lời thơ. Đó là những ngôn ngữ của lối diễn tả hình ảnh, mầu sắc sống động mang âm điệu của hình thức diễn xướng đậm đà chất dân gian

     Hình thức sử dụng đại từ nhân xưng

     Đại từ nhân xưng là hình thức ngôn ngữ thể hiện rõ phương thức diễn xướng qua lối kết hợp câu đối đáp trong ca dao dân ca, chủ yếu ở ngôi thứ nhất và thứ hai như: anh - em, chàng - thiếp, mình - ta, đó - đây, anh ba - em, chị hai - tôi, qua - bậu, tui - mình, bạn - ta, anh - cô nường.....

- Hỡi anh đi dường cái quan

 Dừng chân đứng lại em than vài lời

- Cô kia cắt cỏ bên sông

 Muốn sang anh ngả cành hồng cho sang

      Đó là những lời thơ thể hiện rõ dấu ấn của lối kết cấu đối đáp, trò chuyện mang đặc trưng bản chất thể loại của ca dao dân ca. Với lối trò chuyện, đối đáp trực tiếp, đại từ nhân xưng trong ca dao đã được sử dụng một cách hết sức linh hoạt và độc đáo. Và cách xưng hô trong ca dao là một trong những thủ pháp nghệ thuật quan trọng khẳng định phương thức diễn xướng của thể loại.

 

 

     Phương thức diễn xướng của thể loại ca dao dân ca với lối sử dụng đại từ nhân xưng là sự thể hiện của phong cách ngẫu hứng trong sinh hoạt diễn xướng dân ca. Đôi khi đó chỉ là những lời hát bâng quơ của những cặp nam nữ bất chợt gặp nhau trên đường hay là những câu ca đối đáp của gái trai trong quá trình lao động, cũng có khi nó là những cuộc hát có tổ chức vào những dịp lễ hội nhất định. Song dù dưới hình thức nào thì hành động diễn xướng ở đây không nhất thiết phải là “đối giọng” mà còn được thể hiện qua “đối lời” vì vậy cách xưng hô trong ca dao đóng vai trò quan trọng nhằm diễn tả mọi sắc thái biểu cảm nội dung ngôn ngữ đối thoại của nhân vật.

     Tính phiếm chỉ, xu hướng không cá thể hóa nhân vật là đặc điểm của thơ ca dân gian Việt Nam mà lối sử dụng đại từ nhân xưng là một trong những thủ pháp nghệ thuật nổi bật làm tăng thêm giá trị diễn xướng của lời ca.

     Có thể nói, ngôn ngữ ca dao với đặc trưng tính chất của thể loại thơ ca dân gian, mang âm sắc của giai điệu lời nói tiếng Việt với hình thức kết cấu đối đáp, ngôn ngữ diễn tả thời gian, không gian nghệ thuật mang tính gợi hứng và lối sử dụng đại từ nhân xưng đầy biểu cảm là những yếu tố cơ bản tạo giá trị thẩm mỹ cho những lời hát dân ca mang mầu sắc của sinh hoạt diễn xướng dân gian. Là cơ sở (phần lời) của những lời hát dân ca, ca dao trong sự liên kết với mầu sắc của âm thanh, động tác điệu múa được diễn ra trong môi trường sinh hoạt cụ thể mang tính đặc trưng vùng miền của sinh hoạt diễn xướng dân gian đã thực sự bay cao hơn, xa hơn đạt đến giá trị hiện thực thẩm mỹ trọn vẹn hơn.

______________

1. Kho tàng ca dao người Việt, Nxb Văn hóa Thông tin, 1995.

 2, 3, 5. Tú Ngọc, Dân ca người Việt, Nxb Âm nhạc, 1994, tr.284, 218, 189-190.

 4. Hà Minh Đức, Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1974, tr.326.

 6. John R.Searle, trích theo Performance: a critical introduction, Marvin Carlson, Nxb Great Britain, 1992, tr.61.

 7. D.X.Likhatrốp, trích theo Thi pháp ca dao, tr.165.

 .← Ca dao vần G

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét